Chính tác giả Ian Fleming, cha đẻ của điệp viên 007, từng nói rằng: “Sorge là người đàn ông mà tôi coi là điệp viên tài năng nhất trong lịch sử”.
Tuổi trẻ và cuộc sống tại châu Âu
Richard Sorge sinh năm 1895 tại Baku, nước Nga. Cha ông là một kỹ sư hầm mỏ người Đức làm việc tại đây. Mẹ ông là người Nga. Sau khi công việc của người cha kết thúc, cả đại gia đình gồm vợ chồng và chín người con trở lại Đức sinh sống.
Sống trong một gia đình yêu nước vào truyền thống bảo vệ Tổ quốc, năm 1914, Sorge gia nhập quân đội Đức chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ 1. Sorge bị thương nhiều lần trên chiến trường, một vết thương còn khiến ông bị tật nhỏ chân trong suốt phần còn lại của cuộc đời.
Trong những ngày hồi phục, Sorge bắt đầu làm quen với chủ nghĩa Marx thông qua đọc sách báo và những người bạn. Một trong những người ông của Sorge trên thực tế từng làm thư ký cho Karl Marx.
Sau khi bị đuổi khỏi công việc giảng dạy tại đại học vì những tư tưởng chính trị của mình, Sorge sang Liên Xô và bắt đầu làm việc với tư cách là nhân viên cho cơ quan Tình báo Liên Xô.
Ông cũng học thêm nhiều thứ tiếng khác như Anh, Pháp và Nga,… để phục vụ công việc của mình. Với vỏ bọc là một nhà báo, ông được gửiđi nhiều nước châu Âu để thu thập tình hình gửi về cho phía Nga.
Đến năm 1929, Sorge được lệnh trở về Đức và tham gia Đảng Đức Quốc xã, đồng thời cắt bỏ mọi quan hệ với cánh tả. Sorge dần dần hoà nhập mình vào hàng ngũ đảng viên Đức Quốc xã.
Nhiệm vụ tại Nhật Bản
Sorge được cử tới Nhật Bản vào năm 1933 để thành lập một mạng lưới tình báo ở đây. Nhiệm vụ của mạng lưới này là thu thập thông tin về sự hợp tác giữa hai nước đồng minh lúc đó là Đức và Nhật. Tại đây, Sorge gặp lại Hotsumi Ozaki, một nhà báo cánh tả người Nhật đã từng cộng tác với Sorge.
Ozaki sinh ra trong một gia đình giàu có và có nhiều quan hệ tại Nhật. Có thể coi ông là mắt xích quan trọng nhất trong đường dây gián điệp của Sorge. Một trong những người bạn của Ozaki là thư ký nội vụ cho Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ, và Ozaki được người này nhận vào làm chuyên gia cố vấn đối ngoại cho chính phủ.
Tại văn phòng chính phủ Nhật, Ozaki được tiếp cận với nhiều tài liệu mật quan trọng và có tiếng nói trong những chính sách của chính phủ Nhật. Ozaki bí mật sao chép lại tài liệu mật đưa cho Sorge.
Cùng lúc đó, Sorge cũng được nhận vào làm tại Đại sứ quán Đức tại Nhật như một chuyên viên cố vấn. Với những thông tin nhận được từ Ozaki, cộng với những gì thu thập được tại Đại sứ quán Đức, Sorge đã đưa ra được rất nhiều tin tức quan trọng gửi về cho Moscow.
Người điệp viên hào hoa
Nhờ những thông tin của Ozaki về chính sách của chính phủ Nhật, Sorge cũng gây ấn tượng mạnh đối với giới chính khách ngoại giao Đức tại Nhật. Không một ai nghi ngờ Sorge, ông thậm chí còn rất được trọng dụng.
Đối với Đảng Đức Quốc xã, Sorge cũng không tỏ ra trung thành mù quáng, thậm chí một số lời chỉ trích của Sorge đối với Đảng này càng khiến ông trở nên có uy tín hơn đối với các đảng viên.
Một điểm đặc biệt nữa của Sorge khiến vỏ bọc của ông càng trở nên hoàn hảo là ông không hề có vẻ là một điệp viên thận trọng và nguy hiểm. Trái lại, Sorge nổi tiếng với thói nghiện rượu nặng và thường xuyên tán tỉnh phụ nữ.
Dưới con mắt mọi người, Sorge là một tay chơi có hạng. Tất cả những người từng gặp Sorge đều miêu tả Sorge là một người có sức cuốn hút mạnh mẽ. Với tài ăn nói của mình, Sorge đã lấy lòng được rất nhiều người.
Trong số đó có Đại tá Eugen Ott, tuỳ viên quân sự của Đại sứ quán Đức tại Tokyo. Ott, sau này được lên nắm chức đại sứ Đức tại Nhật, đã trở thành một nguồn thông tin dồi dào về những chính sách quân sự của Đức cho Sorge mà không hề hay biết.
Những thông tin tình báo quyết định lịch sử
Sorge được biết đến như là điệp viên tình báo dự đoán trước, gần như chính xác đến từng ngày, cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Đức vào biên giới Liên Xô vào tháng 6 năm 1941, khởi đầu cho Chiến tranh thế giới thứ 2.
Từ cuối năm 1940, Sorge đã thu thập được thông tin về việc Đức đang tập trung quân đội gần biên giới Liên Xô. Đến tháng 5/1941, từ những tin tức của Ozaki và Eugen Ott, Sorge hoàn toàn chắc chắn rằng Đức sẽ nhất định tấn công Liên Xô. Bức điện cảnh báo cuối cùng được gửi ngày 21/6/1941, tiếc rằng chính phủ Liên Xô vẫn không cho rằng những thông tin này là chính xác và hoàn toàn không có sự chuẩn bị.
Chỉ một ngày sau, quân đội Đức bất ngờ tràn vào Liên Xô khiến Hồng quân hoàn toàn bị bất ngờ. Năm tháng sau đó là những tháng ngày khủng khiếp đối với Liên Xô.
Tới lúc này, Moscow bắt đầu tin tưởng vào Sorge và yêu cầu ông gửi thêm những thông tin về chính sách quân sự của đối phương, đặc biệt là thái độ của Nhật đối với cuộc chiến Đức – Liên Xô. Liên Xô đang bị Đức tấn công ở mặt trận phía Tây, và nếu như Nhật tham gia cuộc chiến, triển khai quân ở phía Đông, Liên Xô sẽ khó mà chống đỡ được với sự đánh chiếm từ cả hai phía.
Chỉ chưa đến một tuần sau khi cuộc đổ bộ của quân Đức, Sorge đã đưa ra được bản báo cáo tình hình cho Moscow. Ông cho rằng Nhật sẽ gửi quân đến Đông Dương, và Ozaki cho biết Nhật Bản sẽ đợi xem tình hình cuộc chiến Nga Đức tiến triển như thế nào trước khi quyết định tham gia, trong khi đó Ott tin rằng Nhật sẽ không tham dự vào cuộc chiến trong lúc này. Tất cả những dự đoán này của Sorge đều chính xác.
Tới tháng 9/1941, Sorge đã có thể khẳng định với chính quyền Liên Xô rằng Nhật Bản sẽ không tấn công Liên Xô, ít nhất là trong năm đó. Có được thông tin này, Liên Xô đã có thể yên tâm rút quân từ mặt trận Viễn Đông sang mặt trận châu Âu, từ đó thay đổi cục diện cuộc chiến. Mạng lưới tình báo của Sorge đương nhiên không phải là nguyên nhân chính dẫn tới sự thay đổi lịch sử này, tuy nhiên Sorge cũng đóng một phần vai trò quan trọng.
Bắt giữ và xử án
Sau khi chiến tranh bắt đầu, công việc tình báo của Sorge trở nên nguy hiểm hơn. Cảnh sát mật Nhật Bản bắt đầu nghi ngờ có một mạng lưới gián điệp đang hoạt động và phát hiện nhiều tín hiệu đáng ngờ. Ozaki bị bắt vào tháng 10/1941 và chỉ một vài ngày sau Sorge cũng bị bắt giữ.
Khi nhận được tin Sorge đã bị cảnh sát Nhật bắt vì tội gián điệp, Đại sứ Đức Eugen Ott tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và bực bội, cho rằng phía Nhật đã quá đa nghi. Mới đầu, Sorge bị nghi là làm việc cho phía Đức, do ông là đảng viên Đảng Đức Quốc xã và là người Đức. Chỉ sau đó vài tháng, phía Nhật mới xác định Sorge làm gián điệp cho Liên Xô.
Dưới sự tra tấn, Sorge đã nhận mọi hành động tình báo của mình tại Nhật. Ông bị giam cầm ba năm tại một nhà tù ở Tokyo và bị kết án tử hình vào tháng 9/1943.
Tuy nhiên, Sorge vẫn tin tưởng rằng mình sẽ không bị đối mặt với bản án này, bởi phía Liên Xô sẽ trao đổi tù binh với Nhật Bản. Điều này đã không xảy ra bởi Moscow từ chối thừa nhận người điệp viên này.
Sorge bị treo cổ vào tháng 11/1944, Hotsumi Ozaki cũng bị xử tử cùng ngày. Đến tận năm 1964, Liên Xô mới thừa nhận Richard Sorge là điệp viên làm việc cho nước này. Ông được trao danh hiệu Anh hùng Xô viết và được đặt tên cho một con phố tại Moscow.
Tới nay, đã có nhiều bộ phim cũng như cuốn sách được làm về Richard Sorge. Ian Fleming, cha đẻ của điệp viên 007, từng nói về ông: “Sorge là người đàn ông mà tôi coi là điệp viên tài năng nhất trong lịch sử”.