Đâu là cái cớ thực sự của việc Nga rút Dòng chảy phương Nam?

Huỳnh Linh |

Gần đây, Tổng thống Nga đã tuyên bố dừng dự án Dòng chảy phương Nam. Thất vọng vì bị cản trở và quan hệ nguội lạnh với EU, Moscow đang phát triển chính sách Ostpolitik của riêng mình

Tuyên bố hủy bỏ dự án ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam nối từ Nga đến Trung Âu thông qua biển Đen và các nước thuộc vùng Balkan mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin không gây ngạc nhiên vì việc này hoàn toàn phù hợp với hệ thống những ưu tiên mới của Nga.

Thất vọng vì bị cản trở và quan hệ nguội lạnh với EU, Moscow đang phát triển chính sách Ostpolitik - “chính sách phương Đông” của riêng mình.

Ostpolitik - thuật ngữ tiếng Đức có nghĩa là “chính sách phương Đông”.

Đây là chính sách xuất phát từ Cộng Hòa Liên Bang Đức thời Thủ tướng Willy Brandt nhằm đối thoại và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước cộng sản Đông Âu và Liên Xô (vào những năm 1970).

Đây cũng được coi là một loại vũ khí “mềm” trong Chiến tranh Lạnh để từng bước ru ngủ hệ thống Xã hội chủ nghĩa nhằm tiến đến quá trình dân chủ hóa ở Đông Âu, điển hình là sự sụp đổ của Bức tường Berlin và Vành đai sắt ngăn cách hai khối.

Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố ngừng dự án Dòng chảy phương Nam trong chuyến thăm cấp quốc gia mới đây đến Ankara.

Và đã đồng ý tăng cung ứng cho Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thông qua quốc gia này để tiến sang thị trường châu Âu.

Không ai ngạc nhiên trước quyết định của Tổng thống Putin. Ủy ban châu Âu đang chủ động ngăn chặn ý tưởng của Nga.

EU liên tục đề cập đến các đe dọa chính trị từ việc nhập khẩu khí đốt của Nga và chính thức tuyên bố mục đích của mình là giảm lệ thuộc vào nước này.

Tình hình kinh tế Nga còn lâu mới có thể khởi sắc: không có bất kỳ nguồn đầu tư mới nào, giá hydrocarbon đang giảm và họ cần phải đưa ra thứ tự các ưu tiên.

Ngay cả khi nền kinh tế ổn định hơn thì lợi nhuận kinh tế đối với một dự án tốn kém như vậy cũng còn chưa chắc chắn, huống hồ trong bối cảnh như hiện nay.

Dòng chảy phương Nam bắt đầu từ cuối những năm 2000, đầu những năm 2010.

Sau đó, Nga hy vọng mối quan hệ thân thiết với EU có thể nâng lên tầm cao mới, vượt qua rào cản của các nước “trung gian” có nền chính trị nhạy cảm mà trước tiên là Ukraine.

Đầu thập kỷ trước, Nga đã đặt ra mục tiêu khác: biến Ukraine thành một phần không thể thiếu của hệ thống cung ứng khí đốt cho EU, nhưng thực ra, để dựa trên một nền tảng mới, khôi phục lại dòng chảy duy nhất nối Nga và EU như thời Liên Xô.

Từ 2002-2003, Moscow, Kiev và Berlin đã thảo luận vấn đề thành lập một tập đoàn khí đốt tam phương, nhưng việc này đã không thể thực hiện, mà nguyên nhân chủ yếu do Kiev.

Sau đó, Kiev đã phải sự kiện Maidan, và các đàm phán có tính xây dựng đi đến hồi kết.

Kết quả này là khởi đầu cho lịch sử “các dòng chảy”: Dòng chảy phương Bắc chạy dưới đáy biển Baltic đến Đức; và Dòng chảy phương Nam đi qua Biển Đen và khu vực đông nam châu Âu để đến Áo và Italy.

Moscow tin rằng EU có quan tâm đến nguồn cung khí đốt chạy thẳng. Điều đó có nghĩa là họ sẽ tán thành tuyến ống dẫn đa dạng này.

Tuy nhiên, các mối quan hệ chính trị bắt đầu dãn tách và chủ đề năng lượng không còn là vấn đề kinh tế mà đã trở thành vấn đề về an ninh.

Dòng chảy phương Bắc có được nhờ quan điểm cứng rắn của Đức. Họ muốn có sự chắc chắn để đề phòng lúc bên vận chuyển là Ukraine gặp sự cố.

Berlin có các kế sách ở EU để đối phó với sự bất mãn từ phía các nước Baltic, Phần Lan và Scandinavia. Đặc biệt, kể từ sau khi không còn dòng chảy vận chuyển trên bờ nào giữa Nga và Đức.

Người vận động hành lang chính cho Dòng chảy phương Nam là Áo, nhưng họ lại không có đủ nguồn lực hành chính.

Hơn nữa, tình hình chính trị nước này còn bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng tiếp theo ở Ukraine.

Nhưng điều quan trọng là những vấn đề xảy ra trong năm 2014 đã hối thúc Nga phải xét lại các ưu tiên của mình.

Mối quan hệ “đối tác chiến lược” với EU bắt đầu rệu rã vì sự khác biệt lập trường về các nước trung gian.

Sự bùng nổ thù địch lẫn nhau dường như là lựa chọn duy nhất (bao gồm các lệnh trừng phạt) cũng đã làm tổn hại đến hợp tác kinh tế.

Các cơ sở cung ứng dầu và khí đốt sang châu Âu được thiết lập dựa trên các thỏa thuận từ những năm 60 của thế kỷ trước, sau đó được mở rộng hơn nữa vào những năm 70, 80.

Điều này đã định hướng các mối quan hệ địa chính trong một thời gian dài.

“Chính sách phương Đông” hay Ostpolitik mà Thủ tướng Willy Brandt bắt đầu cuối những năm 60 về cơ bản cũng dựa trên yếu tố đó: nền kinh tế Tây Đức cần có vị trí vững chắc ở thị trường phương Đông.

Đức và Italy là hai đơn vị tiếp nhận từ “các dòng chảy”, là khởi nguồn cho sự phụ thuộc khăng khít về dầu và khí đốt giữa Liên Xô/ Nga và châu Âu.

Gần nửa thế kỷ sau, những nỗ lực tái thiết mô hình ở giai đoạn lịch sử mới đã không thành.

40 năm trước (thời kỳ chiến tranh Ả-rập - Israel), dầu thô Siberia là cách để châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung có nền chính trị bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Còn bây giờ, Thế giới cũ cho rằng việc nhập khẩu từ Nga cũng là một mối nguy hiểm. Điều này công bằng hay không là chuyện khác, nhưng chắc chắn các sự kiện diễn ra ở Ukraine đóng vai trò hết sức tiêu cực.

Về phần mình, Đức đang xem xét lại “chính sách phương Đông”.

Có nhiều lý do cho việc đó: Cân bằng năng lượng dần thay đổi theo hướng đa dạng hơn, cũng như chính sách tự nhận thức mới với vai trò là lãnh đạo duy nhất của châu Âu.

Tuy nhiên, kết quả là mối quan hệ giữa Nga và Đức, cũng giống mối quan hệ giữa Nga và EU, nhanh chóng trở nên nguội lạnh. Vậy nên chính sách Ostpolitik mới được hình thành.

Nhưng lần này là phát kiến từ phía Moscow và hướng đến khu vực phía đông và đông nam nước Nga: một loạt các thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc; đẩy mạnh hơn ở khu vực châu Á; mạo hiểm coi Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiêu dùng và vận chuyển dầu thô của Nga; thỏa thuận năng lượng với Iran…

Sự chuyển hướng này tạo điều kiện xác định trước các ưu tiên địa chính trong giai đoạn không thể kéo dài như những gì đã đạt được của các quyết định những năm 60, 70.

Tất nhiên chính sách Ostpolitik sẽ không thể diễn ra trôi chảy.

Đàm phán với các đối tác mới sẽ chẳng dễ dàng hơn so với các đối tác cũ là bao nhiêu. Các khoản đầu tư lớn đôi khi cũng đem lại nhiều rủi ro.

Về phía châu Âu, các hợp đồng đã ký và có hiệu lực trong vài thập kỷ tới tất nhiên Nga sẽ không dại gì phá vỡ.

Tuy nhiên, cú ngoặt sang phía đông - châu Á và hướng chú ý tới khu vực này là điều hoàn toàn dễ hiểu và không thể tránh khỏi vì chính châu Âu đang đẩy Nga theo hướng đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại