Trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, Trung Quốc "không dám vui"?

Hải Võ |

Theo số liệu công bố của IMF, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, truyền thông nước này lại không mấy lạc quan với "thắng lợi" mới.

Thu nhập bình quân vẫn tụt hậu

Trang Wangyi (Trung Quốc) cho hay, "Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2014" do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố cho thấy, xét theo cơ sở "sức mua ngang giá", quy mô nền kinh tế Trung Quốc đạt 17.600 tỉ USD, trong khi của Mỹ là 17.400 tỉ USD.

Căn cứ vào số liệu trên, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 1 thế giới và "thay đổi lịch sử độc chiếm ngôi vị nền kinh tế số 1 của Mỹ kể từ năm 1872".

Học giả Hà Duy Đạt - giáo sư Học viện quản lý kinh tế thuộc Đại học khoa học kỹ thuật Bắc Kinh - cho biết, việc Trung Quốc "qua mặt" Mỹ trên bình diện sức mua ngang giá "có thể khiến người Trung Quốc hãnh diện đôi chút".

Tuy nhiên, ông Hà nhận định, Trung Quốc không nên lạc quan một cách mù quáng.

Theo ông, cho dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vượt qua Mỹ thì đó cũng không phải là điều đáng để vui mừng, bởi xét về nội lực tổng thể, Trung Quốc vẫn chưa thể đứng ở vị trí số 1.

"Trung Quốc chưa đủ phát triển, thu nhập bình quân đầu người không cao và còn lâu mới được xếp vào nhóm nước phát triển" - Hà Duy Đạt nói.

GDP bình quân của Trung Quốc còn thấp và phân hóa theo khu vực. Miền Tây nước này vẫn còn lạc hậu và nghèo nàn.

GDP bình quân của Trung Quốc còn thấp và phân hóa theo khu vực. Miền Tây nước này vẫn còn lạc hậu và nghèo nàn.

Trung Quốc từng là số 1 và bị "mất ngôi"

Học giả Hà cho hay, nhìn từ góc độ lịch sử, trong vòng 300 năm kể từ thế kỷ XIV, Trung Quốc từng là nền kinh tế quy mô lớn nhất thế giới.

Tính đến triều vua Càn Long triều Thanh, Trung Quốc là nước có tổng GDP lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, do thể chế lỗi thời và tệ tham nhũng tràn lan, cộng thêm 2 cuộc chiến tranh nha phiến phá hoại khiến nước này "rớt đài" xuống nhóm các nước kém phát triển.

Từ khi tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 30 năm. Nhưng nước này mới chỉ "đuổi kịp" Mỹ về tổng lượng kinh tế, song còn tụt hậu xa về chất lượng và thu nhập bình quân.

Năm 2013, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc xếp thứ 110 trên thế giới. Vì vậy, Hà Duy Đạt cho rằng quy mô kinh tế số 1 "không đáng để nước này kiêu ngạo".

Bẫy thu nhập trung bình

Nguyên nhân thứ hai để "không cảm thấy vui mừng" mà ông Hà nêu ra là sự chênh lệch kinh tế theo địa lý tại Trung Quốc quá lớn.

Theo đó, miền đông là khu vực giàu có và phát triển, trong khi miền tây không chỉ lạc hậu về quy mô kinh tế, mà thu nhập bình quân ở nhiều nơi còn không tới 1000USD, thấp hơn mức thu nhập trung bình.

Hình ảnh tương phản trong một thành phố với những khu giàu có và khu vực chậm phát triển hơn.

Hình ảnh tương phản trong một thành phố với những khu giàu có và khu vực chậm phát triển hơn.

Hà Duy Đạt nhận định, một vấn đề nữa là Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" - tức các thị trường mới nổi vượt qua cột mốc GDP bình quân 1000USD và tiến vào "giai đoạn bay cao" với thu nhập bình quân 1000-3000USD.

Tuy nhiên, khi tiến gần cột mốc 3000USD thì những mâu thuẫn tích lũy trong quá trình phát triển tốc độ cao mới bùng phát, dẫn đến nền kinh tế bị chững lại và rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".

Theo ông Hà, Trung Quốc còn chưa vượt qua giai đoạn "đi trên dây" này, cho nên mặc dù tổng GDP đứng đầu thế giới, nhưng thu nhập bình quân vẫn "chậm chạp theo sau".

Gánh nặng đối với người dân

Ông Hà Duy Đạt cũng cho biết, nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, thì bên cạnh sự vui mừng, nước này cũng phải gánh vác những trách nhiệm quốc tế nặng nề hơn.

Các mức phí thành viên, hội viên của các tổ chức quốc tế mà Trung Quốc góp mặt sẽ tăng lên, và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Trung Quốc.

Nếu phải gánh thêm những khoản phí "mơ hồ" như trên, người dân nước này chẳng những không hề cảm thấy hào hứng hay hãnh diện, mà ngược lại sẽ gia tăng bất mãn - Hà Duy Đạt nhận định.

Theo Wangyi, trong báo cáo của IMF, có một thông tin đáng để Trung Quốc vui mừng hơn.

Cũng dựa trên cơ sở "sức mua ngang giá", tổng lượng nền kinh tế của nhóm G7 mới - gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ - cũng "qua mặt" nhóm G7 "cũ" - tức Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada.

Wangyi cho hay, trong quan hệ giữa các quốc gia và khu vực, trật tự kinh tế mới sẽ dẫn đến sự sắp xếp lại bản đồ địa - chính trị thế giới và xác định lại trọng lượng quyền phát ngôn của các bên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại