Theo Wall Street Journal (WSJ), rất nhiều người Nga cảm thấy có một mối liên hệ đặc biệt với Ukraine, nơi mà phần lớn dân số nói tiếng Nga và theo Kitô giáo. Bài báo này cũng nhắc lại rằng, Ukraine là tiền thân của nhà nước Đông Slavic đầu tiên – nước Nga Kiev.
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế của WSJ Eugene Gontmacher cho biết: “Nếu Crimea trở thành một phần của Nga, Putin sẽ còn trở nên nổi tiếng hơn (đối với người Nga). Họ đang chờ đợi hành động có thể làm nổi bật vị thế cường quốc của Nga”.
WSJ cho rằng, việc sát nhập Crimea được giới lãnh đạo Nga coi như một cách để khôi phục lại vinh quang đã mất sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết.
Báo Vzglyad (Nga) cho biết, do đó, sau khi Hội đồng Tối cao (Quốc hội) Crimea tuyên bố quyết định gia nhập Nga hôm thứ Năm vừa qua (6/3), một số người Nga đã nói đùa rằng, bước tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin là sẽ lấy lại Alaska, vùng đất được Đế chế Nga bán cho Mỹ vào năm 1867.
Ngày 6/3, Phó Thủ tướng thứ nhất của Crimea Rustam Temirgaliev thông báo rằng, Quốc hội Crimea đã thông qua quyết định về việc nước cộng hoà tự trị này sẽ gia nhập Nga như một chủ thể. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng quyết định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về vị thế của Crimea vào ngày 16/3 tới.
Hội đồng đã đưa ra 2 câu hỏi để trưng cầu: sát nhập Crimea vào Liên bang Nga với tư cách là một thành viên Liên bang và phục hồi hiệu lực hiến pháp năm 1992 của Crimea, quy chế Crimea như một phần của Ukraine.
Hội đồng thành phố Sevastopol (thuộc Crimea) cũng đã thông qua quyết định sát nhập thành phố này vào Liên bang Nga.
Duma quốc gia Nga sẽ xem xét một bản dự thảo luật cho phép Nga tiếp nhận Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo này.
Alaska từng là thủ phủ châu Mỹ của Đế chế Nga trước khi được Mỹ đàm phán mua lại vào ngày 30/3/1867 với giá 7,2 triệu USD. Trải qua nhiều thay đổi về việc tổ chức hành chính, tới ngày 3/1/1959, Alaska mới được chính thức công nhận là bang thứ 49 của Mỹ.
Hiện nay, Alaska là bang có diện tích lớn nhất của Mỹ và cũng là bang duy nhất nằm tách rời khỏi toàn bộ nước Mỹ. Alaska giáp với Canada và đối diện với Nga qua eo biển Bering.