Đặc nhiệm Triều Tiên và kế hoạch “cắt cổ Tổng thống Park Chung-Hee”

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Một kế hoạch ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee của đặc nhiệm Triều Tiên vừa được tiết lộ sau 45 năm nằm trong vòng bí mật.

Kế hoạch tuyệt mật bị bại lộ bởi 4 người dân

45 năm trước Kim Shin-Jo là thành viên một nhóm đặc nhiệm tinh nhuệ của Triều Tiên được giao nhiệm vụ đột kích qua biên giới ám sát Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Park Chung-Hee. Tuy nhiên, kế hoạch đã thất bại bởi một tính toán sai lầm trên đường đi hành động.

“Nếu lúc đó chúng tôi giết chết tất cả bọn họ thì sẽ không có một báo động nào được đưa ra và tôi chắc rằng chúng tôi đã có thể đạt được mục tiêu của mình”, Kim kể lại với phóng viên AFP.

	Ảnh cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee và phu nhân trên một bức tường ở Seoul năm 1999

Ảnh cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee và phu nhân trên một bức tường ở Seoul năm 1999

“Họ” ở đây là 4 dân làng người Hàn Quốc mà nhóm đặc nhiệm bắt gặp ngày 19/1/1968, vào thời điểm chỉ còn khoảng 36 giờ đồng hồ nữa là sẽ diễn ra cuộc tấn công xuyên biên giới táo bạo nhất trong 6 thập kỷ qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Mục tiêu của nhóm đột kích là Nhà Xanh (Dinh tổng thống) ở Seoul, nơi họ đã lập kế hoạch tiếp cận và xử tử Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee, người lên nắm quyền 7 năm trước đó bằng một cuộc đảo chính quân sự.

Với vụ ám sát này, Bình Nhưỡng hy vọng sẽ tạo ra một cuộc nổi loạn chống chính phủ và các lực lượng vũ trang Mỹ ở miền Nam và cuối cùng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện.

	Một chốt gác của Triều Tiên trên bờ sông Imjingang, chụp ngày 16/7/ 2013

Một chốt gác của Triều Tiên trên bờ sông Imjingang, chụp ngày 16/7/ 2013

Ngay trước nửa đêm ngày 17/1, nhóm đặc nhiệm đã thành công trong việc cắt bỏ hàng rào dây thép gai của Khu phi quân sự (DMZ) - ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên luôn được cài mìn dày đặc và chỉ cách chốt quân sự có người gác của Mỹ đúng 30 mét.

Nhiệm vụ xâm nhập diễn ra suôn sẻ và họ đang tiến rất nhanh về phía thủ đô Hàn Quốc thì bất ngờ giáp mặt 4 người dân đi đốn gỗ. Kim kể lại, lúc đó một cuộc tranh luận gay gắt đã xảy ra về việc liệu có giết hay không giết 4 cư dân này.

Vì những lý do chưa bao giờ được giải thích đầy đủ, nhóm biệt kích chọn cách “giáo huấn” ý thức hệ tại chỗ cho 4 người này và để họ đi với một cảnh báo nghiêm khắc không được phép báo động. Nhưng sau đó 4 dân làng lập tức đi trình báo cảnh sát và báo động đã được đưa ra.

“Tôi đến để cắt cổ Park Chung-Hee”

Bất chấp báo động, nhóm biệt kích vẫn tiếp cận được tới vị trí chỉ cách Nhà Xanh vài trăm mét trước khi đối mặt với lực lượng an ninh Hàn Quốc.

Một cuộc đọ súng khốc liệt đã diễn ra khiến nhóm biệt kích phân tán. Họ chỉ bị bắn tỉa trong các cuộc truy quét kéo dài hơn một tuần sau đó khi quân đội Hàn Quốc lùng sục khắp vùng nông thôn xung quanh. Cuối cùng, 2 biệt kích đã bị bắn chết.

Kim bị bắt, trong khi một đặc nhiệm khác được cho là đã trốn thoát trở lại miền Bắc và sau này trở thành một vị tướng của Triều Tiên.

Kim bị trói đem đi diễu hành trước rất nhiều ống kinh máy ảnh và truyền hình. Khi được hỏi nhiệm vụ của ông là gì, câu trả đã trở nên nổi tiếng: “Tôi đến để cắt cổ Park Chung-Hee”.

45 năm sau, Kim trở thành người đứng đầu Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão ở ngoại ô Seoul và tháng Hai vừa qua ông từng chứng kiến con gái Park Chung-Hee, bà Park Geun-Hye tuyên thệ nhậm chức nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Sau khi bị bắt, Kim đã bị thẩm vấn trong khoảng một năm. Sau đó, chính ông cũng phải ngạc nhiên vì được thả với lý do chính rằng ông chưa bao giờ xả súng.

Kim công khai từ bỏ miền Bắc, kết hôn với một người phụ nữ Hàn Quốc, chuyển sang Kitô giáo và cuối cùng trở thành một mục sư.

Cố Tổng thống Park Chung-Hee bị ám sát vào năm 1979 nhưng dưới bàn tay của chính Giám đốc Cục tình báo Trung ương Hàn Quốc.

	Cây thông trên đồi Bukaksan - tượng đài tự nhiên tưởng nhớ cuộc đột kích năm 1968

Cây thông trên đồi Bukaksan - tượng đài tự nhiên tưởng nhớ cuộc đột kích năm 1968

Trong suốt nhiều năm liền, Bukaksan - ngọn núi nhỏ phía sau Nhà Xanh, nơi chứng kiến trận đấu súng giữa nhóm đặc nhiệm Triều Tiên và lực lượng an ninh Hàn Quốc là địa điểm công chúng không được viếng thăm.

Tuy nhiên, nó đã được mở lại vào năm 2007, mặc dù người đi bộ phải qua một chốt kiểm tra an ninh, đeo phù hiệu đặc biệt và bị cấm chụp ảnh hoặc đi chệch khỏi con đường được bảo vệ ngặt nghèo. Gần đỉnh là tượng đài tự nhiên tưởng nhớ cuộc đột kích năm 1968 - một cây thông thân cong với những vết đạn lỗ chỗ đã được bao bọc bằng sơn màu đỏ và trắng xung quanh.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại