Vụ phát hiện tàu Triều Tiên chở theo vũ khí giấu dưới các bao tải đường thô Cuba đã khiến các nhà phân tích thêm tò mò.
Hơn một tháng trước, Cuba đã tiếp một đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Triều Tiên, tuy nhiên hai nước này không được coi là đối tác kinh doanh vũ khí lớn. Cuba cũng cho biết trong một tuyên bố rằng số vũ khí lỗi thời mà Panama bắt được trên tàu của Triều Tiên là vũ khí Havana gửi tới Triều Tiên để sửa chữa.
Theo hãng tin News của Úc, Triều Tiên có một lịch sử lâu dài tích cực mua và bán vũ khí trên khắp thế giới, đặt biệt ở các nước đang phát triển ở Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á.
Đa phần vũ khí là tên lửa tầm ngắn và trung nhưng thị trường cho các hệ thống tên lửa đầy đủ được cho là đã cạn kiệt trong những năm gần đây. Một trong những lý do đó là áp lực của quốc tế và các biện pháp cấm trao đổi, buôn bán vũ khí sau ba vụ thử hạt nhân của Triều Tiên kể từ năm 2006 và hàng loạt các vụ phóng tên lửa tầm xa của nước này. Hoạt động kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi các loại vũ khí đều kém chất lượng, lỗi thời.
Các nhà phân tích cho biết, kể từ những năm 1990, Bình Nhưỡng xuất khẩu vũ khí thông thường và các trang thiết bị sử dụng trong dây chuyền sản xuất tên lửa. Triều Tiên không thể xuất khẩu vũ khí hạng nặng hoặc các vật liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa dưới các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Dưới đây là một số hoạt động buôn bán vũ khí của Triều Tiên trên thế giới theo báo cáo của Liên Hợp Quốc và theo nghiên cứu năm 2011 của chuyên gia kiểm soát vũ khí Joshua Pollack.
Trung Đông
Cuối năm ngoái, các nhà ngoại giao của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng 445 trụ than chì do Triều Tiên sản xuất có thể được sử dụng để sản xuất tên lửa đạn đạo đã bị thu giữ vào tháng năm trên một con tàu chở hàng của Trung Quốc tại cảng Busan của Hàn Quốc khi tàu này đang trên đường tới Syria.
Trong tháng 12 năm 2009, Thái Lan đã chặn một máy bay thuê bay từ Bình Nhưỡng chở theo 32 tấn vũ khí thông thường, bao gồm cả tên lửa đất đối không. Giới chức Thái Lan cho biết điểm đến của máy bay này là Iran, một khách hàng vũ khí và tên lửa chính của Triều Tiên.
Tháng 10/2007, khối nhiên liệu đẩy có thể sử dụng để chế tạo tên lửa Scud đã bị thu giữ trên một con tàu đến Syria, theo một báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc năm 2012.
Châu Phi
Bình Nhưỡng cũng từng nỗ lực bán tên lửa tầm ngắn và tên lửa của Liên Xô cũ cho các khách hàng ở châu Phi. Gần đây cũng có các báo cáo về các vụ bắt các lô hàng vũ khí đang trên đường tới Eritrea, CH Congo và Burundi.
Tháng 11/2009, các bộ phận xe tăng đang trên đường đến Congo thì bị bắt ở Nam Phi.
Năm 1999-2000 cũng có 3 vụ bắt giữ các bộ phận tên lửa Triều Tiên khi đang tới Libya.
Năm 1996, tên lửa pháo binh và các bộ phận tên lửa Scud có điểm đến là Ai Cập cũng bị phát hiện ở Thụy Sỹ.
Myanmar
Washington cho biết một trong những hợp đồng củ Myanmar và Triều Tiên đó là Bình Nhưỡng sẽ giúp nước này xây dựng tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng.
6/2009, báo Daily Yomiuri của Nhật Bản cũng báo cáo 3 người bị bắt giữ vì nỗ lực vận chuyển thiết bị đo từ tính có thể sử dụng cho tên lửa đạo đạo tầm xa vào Myanmar theo chỉ đạo của phía Triều Tiên.
Cuba
Thứ ba, 16/7, Tổng thống Panama Ricardo Martinelli cho biết tàu Chong Chon Gang 12.700 tấn đã rời Cuba để tới Triều Tiên, mang theo tên lửa và các loại vũ khí khác giấu dưới các bao tải đường.
Bộ Ngoại giao Cuba cho biết 240 tấn “vũ khí phòng thủ lạc hậu” này được vận chuyển ra ngoài để sửa chữa. Được biết, các vũ khí trên tàu này gồm hệ thống tên lửa phòng không Volga và Pechora, 9 tên lửa đã được tháo rời các bộ phận, 2 máy bay Mig-21 Bis và 15 động cơ cho hai máy bay này.