Cựu Nguyên soái Anh: "Nga hành động ngu ngốc đến kinh ngạc"

Đức Huy |

Đó là nhận định của Sir Michael Graydon, cựu Nguyên soái Không quân Hoàng gia Anh, sau sự việc máy bay Nga Su-24 bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vì vi phạm không phận.

Theo ông Graydon, dù chỉ bay "lạc" trong thời gian ngắn, nhưng việc Nga có thể để chiến đấu cơ của mình bay quá gần biên giới, để đến nỗi phải vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, thật sự "ngu ngốc đến kinh ngạc".

Tuy vậy, cựu Nguyên soái Không quân Hoàng gia Anh cũng không đồng tình với giải pháp bắn hạ Su-24 mà phía Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn.

Nguyên soái không quân Hoàng gia Anh
Sir Michael Graydon
Với tất cả những căng thẳng trong khu vực, việc bắn hạ máy bay liệu có thật sự cần thiết? Một chiếc máy bay vi phạm không phận cũng chẳng thể thay đổi lịch sử, nhưng việc nó bị bắn hạ thì có thể. Sự việc này đã tạo ra một vấn đề ngoại giao nghiêm trọng.

Trong khi đó, ông Steven Cook, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông và châu Phi thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR), nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga là vì họ không thể chịu nổi việc bị "bẽ mặt" sau nhiều lần máy bay Nga "lởn vởn" gần không phận Thổ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phải điều hai chiếc F-16 ra đánh chặn máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ hồi đầu tháng 10. Ảnh: Defense News
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải điều hai chiếc F-16 ra đánh chặn máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ hồi đầu tháng 10. Ảnh: Defense News

"Người Nga đã 'trêu ngươi' người Thổ. Họ đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất hai lần kể từ khi bắt đầu chiến dịch Syria. Điều này khiến các lãnh đạo Thổ bẽ mặt và có khả năng trở thành một vấn đề chính trị với họ.

Rõ ràng họ cảm thấy cần phải tự bảo vệ chủ quyền của chính mình, và họ tin rằng NATO sẽ ủng hộ họ" - ông Cook phân tích.

chuyên gia nghiên cứu trung đông
Steven Cook
Tôi nghĩ Nga bằng một cách nào đó sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá. Moscow sẽ có nhiều phát biểu cứng rắn, và rủi ro giao tranh leo thang vẫn hiện hữu, tuy nhiên nhiều khả năng những cái đầu lạnh sẽ chiến thắng.

Còn theo chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Shashank Joshi thuộc Viện An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), để trả đũa cho vụ việc này, phía Nga sẽ "thử phản ứng" của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời áp dụng các biện pháp "đe dọa khủng hoảng tinh thần".

Ông cảnh báo, tình hình hiện nay tương đối nguy hiểm.

chuyên gia nghiên cứu trung đông
Shashank Joshi
Sự kết hợp giữa một vùng không phận chật hẹp mà đông đúc, những chiến lược trả đũa của Nga, và những căng thẳng ngoại giao hiện nay, đã tạo ra một mớ cocktail hỗn độn mà nhiều khả năng sẽ bùng phát thành một cuộc khủng hoảng.

Mặt khác, theo ông Srdja Trifkovic, cây viết đối ngoại của tạp chí Chronicles (Mỹ), việc bắn hạ Su-24 là một quyết định quá liều lĩnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Nhà báo này phân tích, ông Erdogan đang muốn ép NATO vào thế phải có chung quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc có sẵn F-16 trên không trước cả khi Su-24 vi phạm không phận, theo ông Trifkovic, cho thấy đây là một nước đi đã được phía Thổ Nhĩ Kỳ tính toán sẵn.

nhà báo Mỹ
Srdja Trifkovic
Đây rõ ràng làm một cái bẫy do Erdogan giăng ra để thử phản ứng của Nga, đồng thời lợi dụng cái mác thành viên NATO để ép liên minh này thể hiện quan điểm chống Nga, qua đó phá vỡ cái bắt tay Nga-phương Tây trong cuộc chiến chống IS.

Còn theo nhà phân tích chính trị Aleksandr Pavic, Nga không có lý do gì để phải xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Pavic cho rằng, rõ ràng Su-24 bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một hành động có chủ ý.

Nhà phân tích chính trị
Aleksandr Pavic
Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng thái quá, dù họ biết rõ hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Trong thời điểm các bên hợp tác chống khủng bố như hiện nay, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn rơi máy bay của một thành viên đi đầu trong liên minh chống khủng bố như vậy? Đây là một câu hỏi mà phía Thổ Nhĩ Kỳ phải có câu trả lời xác đáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại