Theo ông Graydon, dù chỉ bay "lạc" trong thời gian ngắn, nhưng việc Nga có thể để chiến đấu cơ của mình bay quá gần biên giới, để đến nỗi phải vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, thật sự "ngu ngốc đến kinh ngạc".
Tuy vậy, cựu Nguyên soái Không quân Hoàng gia Anh cũng không đồng tình với giải pháp bắn hạ Su-24 mà phía Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn.
Trong khi đó, ông Steven Cook, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông và châu Phi thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR), nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga là vì họ không thể chịu nổi việc bị "bẽ mặt" sau nhiều lần máy bay Nga "lởn vởn" gần không phận Thổ.
"Người Nga đã 'trêu ngươi' người Thổ. Họ đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất hai lần kể từ khi bắt đầu chiến dịch Syria. Điều này khiến các lãnh đạo Thổ bẽ mặt và có khả năng trở thành một vấn đề chính trị với họ.
Rõ ràng họ cảm thấy cần phải tự bảo vệ chủ quyền của chính mình, và họ tin rằng NATO sẽ ủng hộ họ" - ông Cook phân tích.
Còn theo chuyên gia nghiên cứu Trung Đông Shashank Joshi thuộc Viện An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), để trả đũa cho vụ việc này, phía Nga sẽ "thử phản ứng" của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời áp dụng các biện pháp "đe dọa khủng hoảng tinh thần".
Ông cảnh báo, tình hình hiện nay tương đối nguy hiểm.
Mặt khác, theo ông Srdja Trifkovic, cây viết đối ngoại của tạp chí Chronicles (Mỹ), việc bắn hạ Su-24 là một quyết định quá liều lĩnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.
Nhà báo này phân tích, ông Erdogan đang muốn ép NATO vào thế phải có chung quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc có sẵn F-16 trên không trước cả khi Su-24 vi phạm không phận, theo ông Trifkovic, cho thấy đây là một nước đi đã được phía Thổ Nhĩ Kỳ tính toán sẵn.
Còn theo nhà phân tích chính trị Aleksandr Pavic, Nga không có lý do gì để phải xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Pavic cho rằng, rõ ràng Su-24 bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một hành động có chủ ý.