"Không đẩy sự việc đi quá xa"
Không lâu sau khi chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ với lý do "vi phạm không phận", Tổng thống Putin, trong cuộc gặp với nhà vua Jordan, đã bày tỏ sự tức giận, lên tiếng chỉ trích Ankara.
Ông Putin cáo buộc hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ là "đâm sau lưng Nga", "đồng lõa với bọn khủng bố" và cảnh báo về những "hậu quả nghiêm trọng" trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, bí mật lớn đằng sau sự giận dữ của Putin là: Ông sẽ không "làm căng" mọi chuyện, và "hậu quả" mà nhà lãnh đạo Nga nói tới, nhiều khả năng cũng không hề liên quan gì tới quân sự.
Báo Anh The Guardian chỉ ra rằng, Tổng thống Nga không hề đề cập tới bất cứ một động thái quân sự ngay tức thì nào mà chỉ nói rằng chính phủ của ông sẽ "phân tích" sự việc.
Theo tờ này, đây là cách Putin "để ngỏ một cánh cửa để giảm leo thang căng thẳng sau này".
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tranh cãi về vị trí của chiếc Su-24 khi bị bắn hạ.
Trong khi Ankara cho biết, Su-24 đã đi vào không phận nước này, bất chấp những cảnh báo, thì Moscow một mực khẳng định, vào thời điểm đó, chiến đấu cơ Nga vẫn đang hoạt động trên không phận Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1 km.
Ông Ian Kearns, giám đốc tổ chức Mạng lưới Lãnh đạo châu Âu (ELN) cho rằng: "Đây sẽ là một tranh cãi lớn về ngoại giao, nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có leo thang quân sự".
"Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có một mối quan hệ bền chặt dựa trên nền tảng thương mại, kinh tế và du lịch.
Thứ hai, có một điểm chung khiến cho Nga và phương Tây xích lại gần nhau về vấn đề Syria: vụ đặt bom máy bay (của Nga) tại Sharm el-Sheikh (tại Ai Cập) và các cuộc tấn công ở Paris. Nga có lợi ích chiến lược trong việc tận dụng cơ hội đó".
Trên blog của mình, giáo sư Mark Galeotti từ Đại học New York, đánh giá, việc Su-24 Nga bị bắn hạ "có thể không phải vấn đề lớn, ít nhất là trong dài hạn", dù rằng sẽ có những sự giận dữ, "lời qua tiếng lại" công khai, và có thể là một vài sự trả đũa từ Moscow.
"Chúng ta có thể phỏng đoán một số hành động trả đũa trên mặt trận kinh tế - chính trị (có thể cấm máy bay Thổ Nhĩ Kỳ tới đến sân bay Nga), và cũng có thể là bắn phá vào một số mục tiêu do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Syria.
Tuy nhiên, tôi ngờ rằng cả Moscow, và ít nhất là các quốc gia NATO ở châu Âu đều không muốn để sự việc đi quá xa.
"Bài học dành cho Nga"
Trong khi đó, theo The Guardian, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tỏ ra thận trọng trong các phản ứng của mình, một trong số đó là đề nghị tổ chức một cuôc họp bất thường của NATO tại Brussels.
Động thái đó cho thấy, Ankara đã gửi đi tín hiệu rằng nước này không muốn leo thang căng thẳng, cũng không muốn mạo hiểm khiêu khích một "phản ứng vô thức" từ Nga.
Giáo sư Galeotti cũng có chung quan điểm trên, song nhận định, Ankara sẽ tận dụng cơ hội này để "dạy cho Nga một bài học".
Ông Galeotti cho rằng, Ankara "không chỉ đã bắt đầu chiến dịch khẳng định mình là một cường quốc trong khu vực, mà còn coi Moscow đôi khi là một đối tác hai bên cùng có lợi, song cũng là một đối thủ trong khu vực.
Trong khi đó, "nhìn chung, Kremlin gần như không thể hiện rằng nước này xem Ankara là một đồng minh quan trọng, một đối tác hay một "người chơi" (trên bàn cờ chính trị), ngay cả trong thời điểm ông Putin và Erdogan vẫn còn hòa hợp.
Có thể Ankara đã chớp ngay cơ hội này để dạy cho Moscow một bài học và thể hiện rằng, mình cũng là một nhân tố quan trọng".