Cuộc sống bi thảm của Việt kiều Philippines sau bão Haiyan

Người thì ở lại Philippines để cố gắng kiếm sống qua ngày, người thì về nước với một khoản nợ khổng lồ sau lưng… Dù là ai, họ đều có chung một điểm: Trắng tay sau siêu bão Haiyan.

Gia đình anh Đặng June (tên Việt Nam là Đặng Văn Vinh, quê ở Đà Nẵng) - hiện sống tại Tacloban, Leyte, nơi tâm bão Haiyan đi qua - có lẽ là gia đình tìm đến Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Philippines muộn nhất. Anh Đặng cùng vợ và 8 người con cho đến nay vẫn không khỏi bàng hoàng vì điều may mắn đến mức kỳ diệu là cả gia đình 10 người không ai bị thiệt mạng.

Khuôn mặt khắc khổ, sạm nắng, anh kể: “May mà siêu bão Haiyan đến vào ban ngày (sáng 8.11), chứ nếu hôm đó bão đến vào buổi tối, thì chắc cả nhà tôi chết hết mất rồi”. Trận cuồng phong với vận tốc gió trên 325km/giờ đúng là “cơn thịnh nộ của trời đất chưa từng có” trong cuộc đời anh Đặng cũng như của bất cứ ai sống trên mảnh đất hằng năm có tới hơn 20 cơn bão, núi lửa và động đất như Philippines.

Gió rít giật từng hồi. Gió lật đổ cây cối, cột điện. Gió quẳng ôtô đi xa hàng chục mét. Gió hất tung mái nhà anh Đặng. Gió làm rung chuyển 4 bức tường xây. Gió vặn chéo ngôi nhà, cứ như ai đó cầm hai đầu nhà mà vặn. Ngôi nhà anh Đặng bị sập già nửa, đè bẹp giường chiếu và mọi thứ trong nhà. Anh kể giọng đứt quãng: “Nhà tôi nuôi 8 con lợn, trong đó có 1 con lợn nái vừa đẻ được 11 con mũm mĩm.

Đấy là nguồn thu nhập lớn trong nhà. Thế mà trong bão gió như vậy, cả 19 con bị chết và bị mất sạch. Lúc đó, chỉ còn biết lo cứu các con chứ còn tâm trí nào mà nghĩ đến đàn lợn nữa”. “Sau cơn bão, trong cái đói triền miên, điện, nước đều mất cả; điện thoại không có chỗ nạp nguồn và cũng không có sóng, may mà có con suối gần nhà, cả nhà tôi ăn uống, tắm giặt bằng nước suối. Nhưng đó chưa phải là điều đáng sợ. Cái mà tôi sợ nhất là cả một nhà tù lớn ở Tacloban bị bão làm thiệt hại. Bọn tội phạm được dịp thoát ra ngoài. Chúng đến từng nhà cướp bóc, giết người, hãm hại phụ nữ và trẻ em. Sau bão, bọn chúng hoành hành ở gần nhà tôi dữ lắm.

Hàng cứu trợ bị bọn chúng cướp hết” - anh Đặng kể - “Gia đình tôi vừa đói, rét, nhưng trong hơn 20 ngày, chỉ nhận được 3 lần cứu trợ. Có lần chỉ được 2kg gạo, 3 hộp cá sác đin. Đói hoa cả mắt… lại sống trong mùi hôi thối của xác người và xác động vật phân hủy… Thương nhất là mấy đứa nhỏ!”.

Anh Đặng cho biết: “Tôi không có cách nào để liên lạc với ĐSQ và người thân ở Việt Nam. Tôi sống ở Leyte - trung tâm của cơn bão. Đường xá bị sạt lở, cây cối và cột điện đổ ngổn ngang, giao thông bị cắt đứt. Tôi cũng không biết là ĐSQ đã có đoàn công tác xuống Tacloban cứu trợ, nhưng nếu có biết, tôi cũng không tới được, nhà tôi cách đó những 60km”.

Khi được Đại sứ Trương Triều Dương ân cần hỏi thăm sức khỏe của từng thành viên trong gia đình và trao quà động viên, anh Đặng xúc động đến nghẹn ngào. Cũng giống như 29 người đồng hương khác đã hồi hương, anh Đặng giờ cũng trắng tay, nhưng anh lo lắng, nếu về Việt Nam, với 10 miệng ăn, các con lại không biết tiếng Việt, liệu anh có thể lo toan cho một cuộc sống mới ở quê nhà hay không? Di chuyển cả nhà lên thủ đô Manila, nơi cuộc sống đắt đỏ thì anh cũng không cố được. Anh tâm sự: “Thà rằng, cứ về lại Leyte để theo nghề cá, để nuôi lợn, để trồng dừa và mở lại tiệm bán tạp hóa nhỏ. Đành phải làm lại từ đầu vậy thôi, chỉ có điều với hai bàn tay trắng, tôi chưa biết sẽ phải bắt đầu như thế nào!”

Mắc kẹt tại Cebu là gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phụng với người chồng Philippines và 3 đứa con nhỏ. Tiệm tạp hóa nhỏ và chiếc xe chồng chị dùng để chở khách đã không còn sau cơn bão, cả căn nhà xiêu vẹo cũng bị bão đánh sập, gia đình chị hiện đang chui rúc trong một căn chòi tại khu sinh hoạt chung của xóm nhà lá. Mong ước lớn nhất của chị là được về Việt Nam, tuy nhiên do còn những vướng mắc về thủ tục giấy tờ, nên gia đình chị chưa thể xuất cảnh khỏi Philippines.

Với những người đã may mắn về được Việt Nam, sau niềm vui về lại quê nhà là nỗi lo lắng không yên cho tương lai mù mịt phía trước. Hầu hết những người trở về đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước đây họ vay mượn nhiều nơi, bán cả tàu thuyền để qua Philippines làm ăn với hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Giờ quay về với hai bàn tay trắng, họ chỉ còn cách bắt đầu cuộc sống bằng cách đi biển thuê hoặc mở hàng nước để cố gắng sống qua ngày.

Mặc dù đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ ĐSQ, Hội người Việt tại Philippines, Cục Di trú Philippines, Tổ chức Di cư quốc tế… nhưng tương lai của những nạn nhân người Việt sau bão Haiyan vẫn còn vô cùng gian khó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại