COP19: Nước mắt Philippines đã được đền đáp vào phút chót

Thành Long |

(Soha.vn) - Các nhà đàm phán đã đưa ra một thỏa thuận “nhẹ nhàng” vào những phút cuối cùng của COP19, xoa dịu nỗ lực tuyệt thực của trưởng đoàn đàm phán Philippines.

Sau 2 tuần đàm phán, các đại diện đến từ hơn 190 quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP19) đã nhất trí về một thỏa thuận phân chia mục tiêu cắt giảm phát thải carbon giữa các nền kinh tế phát triển và kém phát triển, nhằm chống lại sự nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận cũng bao gồm cung cấp tài chính cho các nước dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu.

Các cuộc đàm phán kéo dài thêm 1 ngày và chỉ có được bước tiến sau khi các nhà đàm phán thay đổi từ “cam kết” thành “góp phần”. Trung Quốc và Ấn độ cho rằng, sự thay đổi về mặt từ ngữ này giúp họ có thể mở rộng phạm vi hơn khi đề xuất các mục tiêu cắt giảm phát thải.

Các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ khăng khăng rằng các quốc gia giàu hơn cần phải áp dụng các mục tiêu nghiêm ngặt hơn, trong khi đó, các nước phương Tây cho biết họ hi vọng các nền kinh tế mới nổi thực hiện nhiệm vụ của mình để giảm ô nhiễm toàn cầu.

Như vậy, thỏa thuận 2015 sẽ là thỏa thuận đầu tiên mang tính trói buộc về việc cắt giảm lượng khí thải từ việc sử dụng than đá, ga và khí đốt.


	Nhiều đại biểu tham dự COP19 đã ra khỏi phòng hội nghị ngay khi đàm phán đang diễn ra.

Nhiều đại biểu tham dự COP19 đã ra khỏi phòng hội nghị ngay khi đàm phán đang diễn ra.

Mặc dù chỉ là một thỏa thuận khá khiêm tốn, song cũng có thể coi là sự đền đáp phần nào cho những nỗ lực tuyệt thực của trưởng đoàn đám phán Philippines Yeb Sano, tác giả của bài phát biểu chấn động trong phiên khai mạc COP19 ngày 11/11.

Trong các ngày đàm phán trước đó, người ta đã lo sợ về một thất bại tại COP 19 khi các nước vẫn không thể đạt được tiếng nói chung trong vấn đề cắt giảm phát thải.

Theo sau nhóm các nước đang phát triển G77, Trung Quốc (dự hội nghị với tư cách một nước đang phát triển), đại diện từ 132 quốc gia đã rời khỏi phòng hội nghị khi các cuộc thảo luận đang diễn ra, nhằm thể hiện sự tức giận với tốc độ làm việc chậm chạp của các phiên thảo luận. Đây cũng được cho là động thái nhằm phản đối việc các quốc gia phát triển, bao gồm khối EU, Mỹ, Úc, Nhật.. trì hoãn việc xác định những nước nào phải bồi thường và cụ thể khoản tiền phải bồi thường do góp phần gây ra biến đổi khí hậu tới năm 2015.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại