15 năm bí mật "phá hoại"
Theo New York Times, đó là ngoại giao kiên trì, với sự hỗ trợ của trừng phạt kinh tế ngày càng gia tăng và các "hành động" đặc biệt nhiều chưa từng có.
Áp lực về ngoại giao và kinh tế đúng là quan trọng, song chỉ 1 năm trước đây, ngay cả một số trợ lý cấp cao của Obama cũng nghi ngờ, liệu cuối cùng, tướng lĩnh và giáo sĩ Iran có chấp nhận từ bỏ chương trình mà họ đã đổ vào đó hàng tỉ USD và cả niềm tự hào của mình.
Họ rõ ràng là có lý do để hoài nghi: Nếu áp lực về kinh tế có thể tạo ra thay đổi, thì Bình Nhưỡng đã phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình từ 2 thập kỷ trước đây.
Thế nhưng, để thành công, chiến lược của ông Obama đối với Iran, không chỉ bao gồm việc thuyết phục, mà còn phải là ép buộc.
New York Times tiết lộ, đó là các hoạt động bí mật được tiến hành nhiều lần, làm chậm lại chương trình hạt nhân của Iran cũng như khiến giới tinh hoa nước này tin rằng bí mật của họ đã bị lộ.
Rồi sau đó, tại cả Washington và Tehran, sẽ có những mối lo sợ rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể tiến hành tấn công phủ đầu Iran.
Ông Obama gần như không bao giờ nói về khía cạnh này của chiến dịch mà mình đề ra, song nó lại là một phần quan trọng của chiến lược mà các trợ lý Tổng thống Mỹ gọi là "mưa dầm thấm lâu", nhằm tránh để xảy ra hành động quân sự trên quy mô lớn.
Tới mới đây, Tổng thống Mỹ đã bóng gió đề cập đến thành công của nó khi bày tỏ niềm tự hào vì "chúng tôi đã đạt được một bước tiến mang tính lịch sử thông qua ngoại giao mà không cần tới một cuộc chiến ở Trung Đông".
Tổng thống Mỹ Obama trong ngày chính thức tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Iran.
Cựu Phó giám đốc CIA Michael D. Morell cũng từ chối nhắc tới những hành động Mỹ thực hiện đối với Iran, song cho biết, Iran đã tăng tốc chương trình hạt nhân của mình trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Obama, và căng thẳng giữa 2 bên đã lờ mờ xuất hiện.
"Chưa có khi nào, kể từ năm 1979, chúng tôi lại gần như xảy ra chiến tranh với nước Cộng hòa Hồi giáo này như trước khi các cuộc đàm phán về hạt nhân bắt đầu".
Người tiền nhiệm của Obama, Tổng thống George W.Bush chưa bao giờ nghiêm túc tính tới các hành động quân sự đối với Iran.
Ông này cũng từng "gạt phăng" đề xuất của Phó Tổng thống Dick Cheney về việc ném bom vào một lò phản ứng hạt nhân bí mật ở Syria năm 2007 để rồi sau đó là nhắm vào Iran.
Về phần mình, trước công chúng, Tổng thống Obama bày tỏ tin tưởng rằng các lệnh cấm vận của mình có thể thuyết phục Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và các chính trị gia cứng rắn khác ở Iran theo đuổi một con đường khác.
Còn điều ông Obama không nói ra, đó là việc rất nhiều trợ lý của ông tin chương trình "phá hoại" bí mật của Mỹ đã bắt đầu dưới thời Tổng thống Clinton và đều đặn tăng lên trong suốt 15 năm đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Iran đồng ý thỏa thuận.
Tất nhiên, ông không thể nói điều này bởi nếu không, ông sẽ buộc phải tiết lộ chương trình tuyệt mật đó.
Mỹ đã làm thế nào?
New York Times đã nêu ra một vài ví dụ mà theo tờ này, chính là nằm trong kế hoạch “phá hoại” chương trình hạt nhân Iran mà Mỹ đã bền bỉ tiến hành suốt nhiều năm.
Đó là việc cha con nhà Tinner (người Thụy Sĩ) bất ngờ được thả khi đang bị điều tra vì cáo buộc "tuồn" công nghệ hạt nhân cho Libya, Iran và các quốc gia khác trong mạng lưới buôn lậu hạt nhân của kiến trúc sư chương trình vũ khí hạt nhân Pakistan Abdul Qadeer Khan.
Chuyện “vỡ lở”, các điều tra viên và truyền thông mới phát hiện ra rằng, gia đình nhà Tinner vốn là "điệp viên ngầm" được CIA cài cắm vào đường dây của A.Q.Khan.
Theo New York Times, vụ việc này cho thấy, rõ ràng là CIA đã tuyển dụng được "tay trong" nhằm cung cấp cho Iran các sản phẩm lỗi.
Khi các nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát - thủ phạm nghi là tình báo Mossad của Israel, và khiến tình hình trở nên căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton đã buộc phải công khai lên án hành động này, song vẫn rất cẩn thận để không nhắc tới tên Israel.
Các vụ tấn công mạng bằng virus Stuxnet nhằm vào những cơ sở làm giàu hạt nhân ở Iran, phá hủy khoảng 1.000 máy ly tâm, làm chậm chương trình hạt nhân của Iran khoảng 1 năm, cũng chính là hành động bí mật của Mỹ.
Có thể, nếu nỗ lực của Mỹ không thành công, tình hình thế giới sẽ bị đẩy đi theo một chiều hướng khác.
Học giả Graham Allison từ Đại học Harvard đã từng phác thảo một kịch bản có thể xảy ra nếu các nỗ lực ngoại giao, kinh tế và cả cưỡng ép của Mỹ không thành công.
Đó là, nếu ông Netanyahu, hoặc các thành viên Đảng Cộng hòa "phá" được thỏa thuận này, thì các lệnh trừng phạt "có thể sẽ sụp đổ".
Lúc này, Iran sẽ có thể chạm gần tay hơn đến bom hạt nhân, người Israel lại đe dọa tấn công, và các ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa sẽ đổ lỗi cho ông Obama vì "không thể ngăn chặn Iran chế tạo bom".
Và như vậy, thế giới "có thể đứng trên bờ vực cuộc chiến tranh lần thứ 3 tại Trung Đông".