Tổng thống Nga đánh giá cao vai trò quan trọng của Qatar ở Trung Đông trong khi ông Hamad cũng nhấn mạnh vai trò quyết định của Nga trong việc đảm bảo ổn định toàn cầu.
Các nhà phân tích đã đưa ra lý do thực sự đằng sau chuyến viếng thăm này.
Gevorg Mirzayan, phóng viên đặc biệt của tạp chí kinh tế nổi tiếng Expert của Nga, cho rằng Quốc vương Qatar có thể đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao giúp đất nước mình gìn giữ được hòa bình trước tình hình Syria, hay nói một cách khác là “sự đầu hàng trong danh dự”.
Ông Mirzayan viết: “Ban đầu, cuộc nói chuyện không đề cập gì đến việc đầu hàng có điều kiện. Cả hai bên trao đổi vị thế, khen ngợi lẫn nhau và nói về Trung Đông.
Theo truyền thống Trung Đông, Quốc vương Qatar sẽ không từ chối cơ hội chỉ trích Israel và yêu cầu Nga giúp đỡ để chấm dứt tình trạng bế tắc ở Dải Gaza. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là chủ đề chính của buổi nói chuyện vẫn là cuộc xung đột ở Syria”.
Theo Gevorg Mirzayan, vị trí của lãnh đạo Qatar có chút kỳ lạ. Từ lúc bắt đầu chiến dịch không kích của Nga ở Syria, các quan chức Qatar thường xuyên lớn tiếng chỉ trích Moscow, cho rằng Kremlin đang tiến hành một chính sách sai lầm.
Kênh truyền thông quốc gia Qatar Al-Jazeera đưa tin về trường hợp hàng chục trẻ em và phụ nữ được cho là nạn nhân của các vụ ném bom của máy bay Nga và cáo buộc Moscow không phải đang chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố mà thực chất hành động không khác gì “một tên độc tài khát máu”.
Tuy nhiên, ở Moscow, Qatar lại bày tỏ một thái độ khác.
Phát ngôn viên Hạ viện Nga Sergei Naryshkin cho biết: “Trong chuyến thăm Moscow, Quốc vương Tamin nhấn mạnh Nga đóng một vai trò lớn trong việc giải quyết tình trạng thảm họa mà người dân Syria đang phải chịu đựng và sớm giúp đất nước này đạt được sự ổn định chính trị”.
Quốc vương Tamin nói thêm rằng: “Qatar luôn luôn ủng hộ một sự hòa giải chính trị ngay từ những ngày đầu. Thêm vào đó, chúng tôi cũng ủng hộ tất cả các tổ chức và sáng kiến quốc tế nhằm mục đích tìm ra một giải pháp chính trị có thể làm hài lòng tất cả các bên”.
Theo chuyên gia Mirzayan, “sự thay đổi chóng mặt về ngôn từ” này không chỉ đơn giản là những lời nói xã giao mà thực chất “Qatar đơn giản là phải thay đổi để thích nghi bởi giờ đây quốc gia này đang đứng trong một tình thế rất khác”.
Đó là kết quả của cuộc xung đột khu vực với Ả Rập Saudi. “Sau khi kế hoạch giành lấy vị thế lãnh đạo Trung Đông của cựu Quốc vương Hamad bin Khalifa al-Thani thất bại năm 2013, ông buộc phải thoái vị và giờ trách nhiệm thuộc về con trai của ông là người cần phải cải thiện mối quan hệ với những người hàng xóm của Doha.
Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ mới cũng không thành công. Chưa đến 10 ngày sau khi ông Tamin kế vị, quân đội Ai Cập, đồng minh của chế độ quân chủ Ả Rập Saudi, đã lật đổ tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, đây là lực lượng mà Qatar đã đầu tư một lượng lớn tiền bạc và cả công sức.
Vị vua mới của Qatar cảm thấy mình bị cô lập và buộc phải tìm đủ mọi cách để lấy lại sức ảnh hưởng của đất nước mình ở Trung Đông. Song Ả Rập Saudi và các đồng minh đã đưa ra tối hậu thư và từ chối để Qatar gây bất kỳ ảnh hưởng nào lên khu vực.
Tuy nhiên, ông Mirzayan nhớ lại, vào mùa hè năm 2015, áp lực này đột nhiên dừng lại. Đến tháng 7, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman đã gặp gỡ Quốc vương Qatar Tamim và quyết định giải quyết các vấn đề nổi cộm vì lợi ích của hai nước trước một đối thủ chung là Iran và “người bạn” Syria.
Ả Rập Saudi và các đồng minh cho phép Qatar duy trì sự ảnh hưởng trong việc trao đổi hỗ trợ cho lực lượng chống chính phủ ông Assad ở Syria.
Thực tế, Doha đã can thiệp rất nhiều ở Syria, kể cả việc làm hỏng mối quan hệ với phương Tây (Washington và Brussels đều biết rõ ai là người hỗ trợ cho IS).
Cho đến lúc đó, canh bạc này vẫn hiệu quả, IS thành công trong việc tấn công quân đội chính phủ, mở rộng vùng kiểm soát ra cả Latakia. Nhưng sau đó, Nga bất ngờ gia nhập vào cuộc chiến và cán cân sức mạnh trong khu vực thay đổi nhanh chóng.
Theo ông Mirzayan, chuyến thăm Moscow của ông Tamim là nhằm tìm kiếm các lựa chọn làm thế nào để Qatar có thể thoát khỏi cuộc xung đột Syria.
“Rất khó để Quốc vương Tamim tiếp tục hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với ông Putin nhằm thuyết phục ông rút khỏi Syria và cho phép Qatar giành chiến thắng.
Ả Rập Saudi đã thử lựa chọn này và chẳng dẫn tới đâu. Thêm vào đó, không có lý gì để Putin rút lui vào thời điểm này bởi cơ hội giành chiến thắng của Nga rất cao”, ông Mirzayan viết.
Cũng không thể loại trừ việc Qatar sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong cuộc xung đột ở Syria là để thực hiện một mục tiêu lâu dài, đó là nối lại quan hệ hữu nghị với Iran.
Sau cùng, nếu bình thường hóa quan hệ với Iran, Qatar cũng có thể khiến Ả Rập Saudi “nguôi ngoai” và ngừng gây áp lực cho nước này.
Ông Mirzayan đưa ra kết luận rằng: “Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chuyến viếng thăm Moscow của Qatar sẽ đạt được hiệp định nào.
Nhưng một sự thật là Qatar đã bắt đầu một cuộc đối thoại nhằm thay đổi vị thế của Doha trong cuộc chơi vốn bao trùm không chỉ riêng về vấn đề Syria mà còn cả Trung Đông”.