Địa chính trị đã lấn sân vào quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Đó là tuyên bố của ông Aleksandr Larin chuyên viên Viện Nghiên cứu Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga). Đàm đạo với phóng viên Đài "Tiếng nói nước Nga", ông bình luận về kết quả cuộc khảo sát ý kiến 200 nhà quản lý cấp cao do tổ chức The Boston Consulting Group ( BCG) tiến hành. Theo dữ liệu thăm dò, có 1/2 tổng số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc dự kiến thu hồi sản xuất về Mỹ hoặc đang xem xét phương án như vậy.
Động lực đầu tiên là tình trạng tăng giá thành lao động ở Trung Quốc. Ở vị trí thứ hai và thứ ba là mức độ gần gũi với khách hàng và chất lượng sản phẩm. Và ở đây không có một từ nào về động cơ chính trị, - chuyên viên Aleksandr Larin giải thích.
“Nguyên nhân bao hàm ở chỗ Trung Quốc như một cường quốc kinh tế hùng mạnh hiện nay đang phát triển nhanh hơn tất cả các nước khác trên thế giới. Về tổng khối lượng kinh tế, GDP của Trung Quốc đã xấp xỉ Mỹ. Thực tế hầu như tất cả các chuyên viên đều dự đoán rằng Trung Quốc chẳng mấy chốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ nhất về GDP. Có nghĩa là, sẽ vượt mặt Mỹ. Đương nhiên điều này khiến người Mỹ chẳng thích thú gì."
Người Mỹ không thể vui khi thấy những hình ảnh như thế này
"Cả những tiểu thị dân bỏ phiếu cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, cả các nhà kinh doanh đều không vui mừng khi hình dung viễn cảnh Hoa Kỳ bị xuống vị trí thứ hai. Hoàn toàn có khả năng là tình trạng này thức tỉnh xúc cảm yêu nước của người Mỹ đến hành động. Hiển nhiên, tinh thần đó hòa trộn chung với lợi ích kinh tế, khi chứng kiến Trung Quốc đang tước đi lợi thế cạnh tranh của đất nước mình”.
Tổ chức tư vấn Boston BCG từng tiến hành cuộc khảo sát tương tự hồi tháng Hai năm ngoái. Khi đó, rút khỏi thị trường Trung Quốc là phương án xem xét của 37% số công ty Mỹ có doanh thu hơn 1 tỷ dollar mỗi năm. Bây giờ tỷ lệ này đã là 54%. Đà gia tăng thái độ tiêu cực đối với kinh doanh tại Trung Quốc đã có sự kích động từ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Cả hai ứng viên Barack Obama và Mitt Romney đều đồng thanh kêu gọi các công ty Mỹ quay trở về nước nhà, tạo chỗ làm việc không phải ở Trung Quốc mà là trên địa bàn nước Mỹ, - chuyên viên Aleksandr Larin nhắc nhở.
“Đây là điều mà các chính khách Mỹ đã nói đến từ lâu. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đối đầu khá căng thẳng. Từ phát ngôn của của các chính trị gia và quan sát viên bình luận Mỹ thấy rõ ý tưởng kiềm chế Trung Quốc. Còn ở Trung Quốc thì người ta không hài lòng nói rằng Mỹ đã chuyển sang chính sách như vậy. Tất cả những điều đó thêm trọng lượng vào bàn cân khi tính toán giải pháp của giới kinh doanh Mỹ, như là rời khỏi Trung Quốc”.
Nhân đây cũng cần nói, địa chính trị cũng xóa bỏ cả niềm hy vọng của nhiều công ty Nhật Bản về phát triển kinh doanh ở Trung Quốc. Họ buộc phải gấp gáp thu hồi dây chuyền sản xuất-kinh doanh ở thị trường lớn này, bởi thái độ tiêu cực của dân Trung Quốc đối với tất cả người Nhật vì sự bùng phát xấu đi trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo. Bóng đen của tranh chấp lãnh thổ bao phủ ngay cả kinh doanh của những con cá voi Nhật Bản như tập đoàn Toyota và Nissan. Các tập đoàn này buộc phải thu hẹp đột ngột quy mô sản xuất do nhu cầu tiêu thụ giảm sút.
Nhìn lại cục diện chính trị, còn có sự kiện đáng chú ý là hồi tháng Tám hãng Honda đã bắt tay xây dựng nhà máy mới không phải ở Trung Quốc mà ở Thái Lan. Quyết định đó lập tức đẩy tăng công suất của Honda lên 50%. Cả Indonesia cũng hứng được 230 triệu dollar đầu tư của Toyota từ Trung Quốc, vốn công bố vào tháng Bảy khi đang là đỉnh cao tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên các chuyên gia cũng không thể dự đoán xem trong bao lâu nữa còn bảo lưu xu thế các công ty Nhật Bản tiếp tục rời địa bàn Trung Quốc vì nguyên cớ chính trị, và với tốc độ nhanh chóng ra sao.
Sự thận trọng trong đánh giá, như đang thấy, có lẽ xuất phát từ thực tế là Tokyo đang nhận ra sai lầm trong tính toán chiến lược của mình theo hướng Trung Quốc. Tiền vốn Nhật Bản đã góp phần làm nên “phép lạ Trung Hoa”, nhưng hóa ra lại là “gậy ông đập lưng ông”, giúp đẩy bật Nhật Bản khỏi vị trí uy tín nền kinh tế xếp thứ hai thế giới. Rõ ràng Tokyo không thể tha thứ cho Bắc Kinh về điều này, mặc dù những người Nhật lịch sự không nói ra thành lời.