Con trai Hồ Cẩm Đào có vai trò gì trong ván cờ của Tập Cận Bình?

Thủy Thu |

Hồ Hải Phong - con trai cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mới được bổ nhiệm làm Quyền Thị trưởng thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hôm 18/3.

Con trai ông Hồ Cẩm Đào thăng quan trên "sân nhà" Tập Cận Bình

Trang Đa chiều (Mỹ) đưa tin, Hồ Hải Phong, con trai cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mới được bổ nhiệm làm Quyền Thị trưởng thành phố Gia Hưng, Chiết Giang hôm 18/3.

Theo tờ The Paper (Trung Quốc), do Thị trưởng đương nhiệm thành phố Gia Hưng Lâm Kiện Đông được điều chuyển làm Bí thư Tổ đảng Sở Nông nghiệp tỉnh Chiết Giang nên ông Hồ Hải Phong được bổ nhiệm Quyền Thị trưởng thành phố Gia Hưng.


Hồ Hải Phong, con trai cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Hồ Hải Phong, con trai cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Hồ Hải Phong sinh năm 1970, tốt nghiệp cử nhân Tin học tại Đại học Giao thông Bắc Kinh và có bằng MBA của Đại học Thanh Hoa, Trung QUốc.

Năm 2010, ông này trở thành Bí thư Đảng ủy Viện nghiên cứu đồng bằng sông Trường Giang Thanh Hoa, Chiết Giang.

Đến năm 2013, Hồ Hải Phong chính thức bắt đầu bước chân vào con đường chính trị với chức danh Phó bí thư thành ủy kiêm Hiệu trưởng trường Đảng thành phố Gia Hưng, Chiết Giang.

Một năm sau đó, ông này tiếp tục được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban Chính pháp thành phố Gia Hưng, phụ trách các lĩnh vực như: Chính pháp, mặt trận thống nhất, nông nghiệp nông thôn, tổ chức đoàn thể và tiếp dân.

Trên cổng thông tin điện tử chính quyền thành phố Gia Hưng, tên Hồ Hải Phong chỉ đứng sau Bí thư thành ủy Lỗ Tuấn và nguyên Thị trưởng Lâm Kiện Đông. Nhưng đáng chú ý là, ảnh hồ sơ và sơ yếu lý lịch của con trai ông Hồ Cẩm Đào lại hoàn toàn "mất tích" trên cổng thông tin này.

Trường hợp của Hồ Hải Phong giống với trường hợp của một hậu duệ lãnh đạo khác, đó chính là Đặng Trác Đệ, cháu đích tôn của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Đặng Trác Đệ cũng mới lên nắm chức Phó bí thư huyện ủy Bình Quả, thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hôm 15/3.

Đặng cũng được coi là người khá kín tiếng và thường né tránh giới truyền thông. Cũng như Hồ Hải Phong, mọi thông tin cá nhân của Đặng Trác Đệ đều không được hé lộ trên cổng thông tin điện tử của chính quyền huyện Bình Quả.


Thông báo của Ủy ban thường vụ Đại hội đảng khóa 7 thành phố Gia Hưng về việc bổ nhiệm Hồ Hải Phong giữ Quyền Thị trường thành phố Gia Hưng. Ảnh: Phượng Hoàng

Thông báo của Ủy ban thường vụ Đại hội đảng khóa 7 thành phố Gia Hưng về việc bổ nhiệm Hồ Hải Phong giữ Quyền Thị trường thành phố Gia Hưng. Ảnh: Phượng Hoàng

Từ thương trường sang chính trường

Trước khi bước vào con đường chính trị, Hồ Hải Phong từng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Uy Thị (Nuctech Co.). Công ty này chuyên nghiên cứu về lĩnh vực kỹ thuật chụp cộng hưởng từ.

Do đó, việc nhậm chức tại Chiết Giang năm 2013 đã khiến Hồ Hải Phong được dư luận đặc biệt quan tâm, vì Chiết Giang vốn được coi là "sân nhà" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập giữ chức Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang trong 5 năm (2002 - 2007).

Giới quan sát đánh giá, ông Hồ Cẩm Đào đã tự nguyện xin rút lui, không "níu kéo" ảnh hưởng khi chuyển giao quyền lực, để "toàn tâm toàn ý" ủng hộ ông Tập Cận Bình tại Đại hội ĐCSTQ khóa 18 (2012).

Dư luận Trung Quốc cho rằng, mục đích này của Hồ Cẩm Đào nhằm ngăn chặn hiện tượng "tham quyền cố vị" đang xảy ra trên chính trường Trung Quốc.

Vì vậy, việc Hồ Hải Phong đến nhậm chức ở Chiết Giang được cho là do mối quan hệ mật thiết giữa ông Tập và người tiền nhiệm.

Một số bình luận cho rằng, Hồ Hải Phong phụ trách về lĩnh vực chính pháp được coi là một nước cờ quan trọng mà Tập Cận Bình đặt vào Ủy ban Chính pháp thành phố Gia Hưng.

Dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, hệ thống chính pháp của ĐCSTQ do "hổ béo" Chu Vĩnh Khang nắm giữ.

Ông Chu từng là Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban chính pháp trung ương Trung Quốc và trước đó còn nắm quyền ở cả ngành công an lẫn dầu khí nước này.

Sau khi Chu chính thức bị lập án điều tra vào tháng 7/2014 thì thân tín của ông ta trong các hệ thống này cũng bị xử lý.


Hồ Cẩm Đào (trái) và Tập Cận Bình tại thời điểm chuyển giao quyền lực năm 2013. Ảnh: THX

Hồ Cẩm Đào (trái) và Tập Cận Bình tại thời điểm chuyển giao quyền lực năm 2013. Ảnh: THX

Sự xuất hiện của những "ngôi sao chính trị tương lai"

So với bước thăng tiến nhanh chóng của hậu duệ các lãnh đạo khác, thành tích của Hồ Hải Phong và Đặng Trác Đệ được dư luận Trung Quốc đánh giá là khá "khiêm tốn".

Chính sự xuất hiện gần đây của hai ông này đã khiến giới truyền thông đặt nghi vấn về những "ngôi sao chính trị tương lai" của Trung Quốc.

Từ đây, giới truyền thông cũng liên tưởng đến cụm từ "thái tử đảng" (hậu duệ các bậc khai quốc công thần của Trung Quốc). Đặc biệt, sau kỳ Đại hội 18 năm 2012, cụm từ này lại càng được đem ra thảo luận sôi nổi.

Theo Đa chiều, "thái tử đảng" đời thứ nhất chính là những nhân vật cốt cán đang nằm trong Bộ chính trị ĐCSTQ như Tập Cận Bình, Du Chính Thanh, Vương Kỳ Sơn, Lý Nguyên Triều hay Lưu Diên Đông.

Dư luận Trung Quốc hiện coi Hồ Hải Phong và Đặng Trác Đệ chính là "thái tử đảng" đời thứ 4.

Bên cạnh đó, dư luận nước này cũng cho rằng, con đường thăng tiến của những "thái tử đảng" đời thứ tư không gây ra nhiều tranh chấp chính trị như những đời trước.

Có bình luận lý giải hoặc do hai nhân vật này quá "khiêm tốn" khi luôn né tránh giới truyền thông. Hoặc đây là một bước đi khác trên con đường chính trị, dù cho họ có "ẩn mình" thì vẫn có lúc sẽ "bất ngờ" xuất hiện cùng với những mốc chính trị nổi bật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại