Kênh Phượng Hoàng (Hồng Kông) hôm 22 và Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 23/3 đưa tin, đoạn video từ một kênh trực tuyến của quân đội Trung Quốc cho thấy tên lửa YJ-62 phóng đi từ bệ phóng được cho là đặt phi pháp trên đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Theo NI, mặc dù thông tin này mới chỉ dừng ở suy đoán, và kể cả khi Trung Quốc chưa có động thái như trên, thì đến khi "thời cơ chín muồi", Bắc Kinh cũng sẽ bố trí loại tên lửa tương tự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép.
NI cho biết, phân tích từ lợi ích về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, có 3 nguyên nhân cho thấy việc Trung Quốc bố trí tên lửa chống hạm ở biển Đông "chỉ là vấn đề thời gian".
Thứ nhất, việc Philippines cho phép Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự ở nước này đã khiến Trung Quốc tức giận, xem đây là một hành động khiêu khích cần phải phản ứng quyết liệt.
Thứ hai, hải quân Trung Quốc có mạnh, nhưng chưa đủ khả năng trở thành đối trọng với quân đội Mỹ trong khu vực. Vì vậy Quân đội Trung Quốc cần sự hỗ trợ từ các loại vũ khí chống hạm để phục vụ chiến lược chống tiếp cận (A2/AD) ở biển Đông.
Trung Quốc kết hợp tên lửa chống hạm và tên lửa tầm xa có thể khiến biển Đông trở thành một "vùng cầm" đối với tàu chiến Mỹ, do Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát.
Thứ ba, trường hợp nguy hiểm và nhiều khả năng xảy ra là Bắc Kinh coi việc bố trí tên lửa ở biển Đông như một chiến lược dài hạn, coi đó là hoạt động "xây tường bảo vệ" cho "đường chín đoạn" - tuyên bố chủ quyền phi lý mà Trung Quốc đưa ra trên biển Đông.
Trong khi truyền thông Philippines và quốc tế tin rằng Tòa trọng tài thường trực The Hague (PCA) sẽ phán quyết tuyên bố "đường chín đoạn" của Bắc Kinh là vô giá trị, Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh quá trình quân sự hóa trắng trợn trên thực địa.
Mục tiêu của nước này chính là giành tiếng nói "áp đảo" các quốc gia ASEAN về vấn đề biển Đông, NI cho hay.