TQ muốn hợp tác ở sông Mekong để "dập lửa" biển Đông

Hải Võ |

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất đã diễn ra tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc đã diễn ra chiều qua, 23/3.

Trung Quốc hy vọng thông qua hội nghị này để "giải quyết" những trở ngại đối với các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực, đồng thời cố gắng "làm dịu" hình ảnh tiêu cực, xuất phát từ hành động chèn ép, bành trướng ngang ngược của nước này trên biển Đông.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.

Đại diện Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Theo SCMP, hội nghị Mekong tập trung thảo luận các lĩnh vực như thông tin, thương mại, nguồn nước, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết, ông Lý Khắc Cường hứa hẹn các khoản vay ưu đãi 10 tỉ nhân dân tệ cùng các khoản tín dụng lên đến 10 tỉ USD để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và cải thiện kết nối ở Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đó, hôm 22/3 ông Lý nhắc lại việc Bắc Kinh mới đây đã xả nước từ đập Cảnh Hồng để giúp đỡ cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong đang gặp hạn hán nghiêm trọng, và nhấn mạnh đó là "lòng thành" cũng như cam kết của Trung Quốc đối với hội nghị.

Tuy nhiên, theo SCMP, giới quan sát cho rằng Trung Quốc muốn dùng việc xả nước và hội nghị thượng đỉnh lần này để "đánh lạc hướng" những chỉ trích nhằm vào các dự án thủy điện gây tranh cãi của họ, đặc biệt là dự án đập Myitsone ở Myanmar bị ngưng trệ vì vấn đề môi trường.

Nằm ở vị trí thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã xây 5 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng mỗi con đập mà Trung Quốc xây dựng đều tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy nhiều hơn.

Bắc Kinh lần đầu tiên đề ra cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong tại một hội nghị của ASEAN diễn ra ở Myanmar hồi năm 2014.

Nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak, Singapore đánh giá Trung Quốc có nhiều động cơ khi đứng ra tổ chức hội nghị Mekong lần này.

Ông bình luận: "[Trung Quốc] muốn tỏ 'vai trò lãnh đạo' đối với tiểu vùng sông Mekong, đồng thời cải thiện hình ảnh của họ ở Đông Nam Á, vốn đã đi xuống trầm trọng vì vấn đề biển Đông, và thúc đẩy sáng kiến 'một vành đai, một con đường."

SCMP cho hay, nếu Trung Quốc đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên nước thì có thể đem lại lợi ích và hòa bình.

Thậm chí, Trung Quốc tin rằng nếu các láng giềng ở lưu vực sông Mekong "có cùng mục tiêu", thì kế hoạch đầu tư chung nhiều tỉ USD vào các lĩnh vực thủy lợi, giao thông, thủy điện... "đều có khả năng trở thành hiện thực".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại