National Interest: Nga chưa hoàn thành mục tiêu ở Syria

Phạm Khánh |

Hôm 22/3, tờ National Interest (Mỹ) dẫn bình luận của ông Ari Heistein, trợ lý đặc biệt của Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, cho rằng, chưa thể nói Nga đã hoàn thành mục tiêu ở Syria.

Ông Ari Heistein nhận định, việc Nga vẫn đang đánh bom tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm nổi dậy Nusra Front ở Syria chính là một sự thừa nhận rằng Moscow vẫn chưa hoàn thành các mục tiêu quân sự tại đây.

Mặc dù rõ ràng sự can thiệp của Nga đã giúp đảo ngược tình thế theo hướng có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng cũng không thể nói quá về thành tích quân sự mà các lực lượng chính phủ đã đạt được thời gian gần đây.

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu năm 2011, các chuyên gia đã nhiều lần dự đoán về sự sụp đổ của chính phủ Assad, nhưng đến năm 2015, tình hình đối với ông Assad mới thật sự tồi tệ.

Chỉ trong 8 tháng đầu tiên của năm 2015, chính phủ Syria đã mất tới 18% lãnh thổ.

Trong lúc ông Assad đang gần như sụp đổ, Nga đã quyết định can thiệp trực tiếp bằng các cuộc không kích vào Syria với mục đích rất rõ ràng: đảo ngược tình thế và ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Syria.

Dù vậy, với sự hỗ trợ của Moscow, chính phủ của ông Assad gần như chỉ thoát khỏi nguy cơ sụp đổ cận kề.

Đúng là không phải tất cả các lãnh thổ đều có ý nghĩa như nhau. Ví dụ như các khu vực xung quanh một thành phố lớn như Aleppo sẽ có lợi thế chiến lược hơn so với vùng sa mạc Syria ở phía đông.

Đúng là kể từ khi Nga can thiệp, chính phủ của ông Assad đã chinh phục được các vùng xung quanh Aleppo.

Tuy nhiên, khi so sánh một bản đồ trước khi Nga can thiệp từ tháng 7/2015 và bản đồ sau 6 tháng can thiệp Nga thì có thể thấy, phần lãnh thổ ông Assad kiểm soát thêm không đáng kể.

Đến tháng 11/2015, liên minh ủng hộ ông Assad bao gồm Nga, Iran, Syria và phong trào Hezbollah chỉ giành lại được một phần nhỏ lãnh thổ.

Một thành viên quân nổi dậy Syria.
Một thành viên quân nổi dậy Syria.

Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's 360 của Anh, kể từ khi Nga bắt đầu không kích ở Syria tới ngày 11/1/2016, phần lãnh thổ dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria chỉ tăng 1,3 % .

Bên cạnh đó, theo ông Ari Heistein, mặc dù khi triển khai quân đến Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mục đích của ông là nhằm vào IS, nhưng trong vòng 6 tháng qua, những phần lãnh thổ mà chính phủ giành lại không phải từ IS.

Không chỉ vậy, ông Assad tiếp tục mất lãnh thổ về tay IS trong khoảng thời gian đó.

Tuy vậy, ông Ari Heistein nhận định, dù không đạt được nhiều mục tiêu về quân sự, nhưng Moscow đã giành chiến thắng vang dội về mặt ngoại giao.

5 năm nội chiến đã phá hủy nghiêm trọng đất nước Syria.
5 năm nội chiến đã phá hủy nghiêm trọng đất nước Syria.

Đầu tiên, sự can thiệp của ông Putin ở Syria tiếp tục làm xói mòn uy tín của Mỹ với tư cách là một đồng minh.

Khu vực này đã chứng kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu Tổng thống Mubarak của Ai Cập từ chức 2011, và sau đó người kế nhiệm Mohamed Morsi cũng bị lật đổ.

Với những sự kiện trên, thật khó để tin rằng Tổng thống Sisi của Ai Cập hay Vua Salman của Ả Rập Xê-út vẫn còn duy trì ảo tưởng rằng sẽ có sự hỗ trợ của Mỹ khi gặp khủng hoảng dù những nước này hiện vẫn là những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ.

Trong khi đó, Nga đã chứng minh sự tận tâm của mình đối với đồng minh duy nhất trong thế giới Ả Rập bằng cách liên tục ủng hộ chế độ Assad trong suốt cuộc nội chiến Syria và cả can thiệp quân sự lần này

Thứ hai, theo ông Ari Heistein, Nga đã khai thác sự căng thẳng giữa các đối tác quan trọng trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu và khiến họ đối đầu với nhau.

Ví dụ, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ và Lực lượng dân quân người Kurd (YPG), Nga ủng hộ YPG do Mỹ hậu thuẫn và giúp họ kiểm soát được một vệt lớn lãnh thổ dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu và bất an bởi YPG thuộc nhóm ly khai người Kurd có tên gọi PKK, mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố.

Đáp lại, người Thổ Nhĩ Kỹ vốn là đồng minh của Mỹ bắt đầu tấn công nhóm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Một kịch bản tương tự xảy ra khi Moscow ủng hộ YPG trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy người Sunni do Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn.

Với tác động từ các cuộc không kích của Nga, các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đã đụng độ với nhau, gây ra một thực tế trớ trêu rằng "Mỹ đang ở trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với chính mình ở Syria".

Chiến tranh ủy nhiệm là cuộc đối đầu giữa các quốc gia không trực tiếp giao chiến.

Ngoài ra, nếu như các vòng đàm phán về Syria do Liên Hợp Quốc làm trung gian không đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài thì Nga có thể sẽ phải lựa chọn, hoặc là từ bỏ ông Assad hoặc phải tiếp tục can thiệp quân sự ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại