Còn lâu nữa mới đủ cơ sở vật chất
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga đã khiến quan hệ giữa 2 quốc gia trở nên căng thẳng. Kể từ sau đó, Ankara đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế - từ Qatar cho tới nước láng giềng Azerbaijan và xa hơn nữa.
Theo chuyên gia Atilla Yesilada từ tổ chức tư vấn Global Source Partners (Thổ Nhĩ Kỳ), động thái này cho thấy quan hệ giữa 2 nước sẽ không thể sớm trở lại bình thường. "Mâu thuẫn sẽ còn tiếp diễn bởi Ankara không có ý định thay đổi chính sách của mình ở Syria".
Theo ông Yesilada, việc Thổ Nhĩ Kỳ kí kết hợp đồng cung cấp khí hóa lỏng với Qatar mới đây có thể là nhằm đối phó với một mối đe dọa tiềm tàng rằng Nga tạm thời cắt các nguồn cung khí đốt cho nước này.
"Trong trường hợp Nga viện cớ trục trặc kỹ thuật để cắt nguồn cung khí đốt trong ngắn hạn, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể có nguồn khí hóa lỏng dự phòng, nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong 2-3 ngày.
Chúng ta có thể tăng lượng khí hóa lỏng nhập khẩu, nhưng khi đó, cảng của chúng ta không có đủ chỗ chứa".
Nhà phân tích chính trị Nikolay Pakhomov, chuyên gia Hội đồng Các vấn đề Quốc tế (Nga) cũng cho rằng, đúng là xét về mức độ hiểu biết chính trị lẫn nhau thì Qatar là sẽ là một lựa chọn.
“Tuy nhiên, cuộc chiến ở Syria và chính quyền người Shitte đang nắm quyền ở Iraq, thì việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt là không khả thi, thậm chí sẽ là phức tạp và rất tốn kém trong quá trình vận chuyển”.
Ngoài Qatar, một lựa chọn "nghe có vẻ có lý" với Thổ Nhĩ Kỳ, theo chuyên gia người Nga, là Iran. Dù rằng quan hệ song phương khá phức tạp song Iran là láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới.
Thêm vào đó, quá trình dỡ bỏ trừng phạt quốc tế với Tehran đang được tiến hành, mối quan hệ của Iran với Liên minh châu Âu đang được cải thiện. Thổ Nhĩ Kỳ có thể được châu Âu lựa chọn là cầu nối giữa nhà cung cấp khí đốt Iran và các khách hàng châu Âu.
"Tuy nhiên, trước khi điều đó diễn ra, còn rất nhiều trở ngại cần phải vượt qua. Không có đường ống mới để đưa khí đốt của Iran tới nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, chứ chưa nói đến châu Âu.
Cũng không rõ liệu ngành công nghiệp khí đốt của Iran có sẵn sàng đảm trách nhiệm vụ to lớn này hay không. Rõ ràng là sau nhiều năm bị cấm vận, ngành công nghiệp khí đốt của Iran đã trở nên lạc hậu và không thể đạt hiệu quả cao nhất.
Tại thời điểm này, chúng ta không thể nói rằng khí tự nhiên của Iran sẽ dễ dàng và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ và mở đường tới thị trường châu Âu".
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ tích cực nói tới việc bình thường hóa quan hệ với Irael. Nguyên nhân thật sự đằng sau thái độ này, theo chuyên gia Aaron Goldstein, là Israel đang xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt chạy qua Hy Lạp, đảo Syprus (đảo Síp) để tới châu Âu.
Để có một "chân" trong đường ống này, theo ông Goldstein, Thổ buộc phải chấm dứt sự ủng hộ đối với phong trào vũ trang Hamas ở Gaza và ngừng công kích Israel. Nhưng điều này sẽ gây ra những chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền của Tổng thống Erdogan.
"Cái bóng" của Nga vẫn ám ảnh?
Nhà bình luận chính trị Semih Idiz của báo Thổ Nhĩ Kỳ Cumhuriyet thì cho rằng, ngay cả khi mục tiêu dài hạn của Ankara là tìm nguồn cung đa dạng đã đạt được, thì nước này cũng phải đối mặt với các thách thức lớn, đó là mối quan hệ của các nước đó với Nga.
"Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang dựa vào Azerbaijan và có thể là một số nước cộng hòa Trung Á khác, nhưng họ đang quên rằng các nước cộng hòa này phụ thuộc vào Nga như thế nào.
Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp phải đủ loại khó khăn khi cố gắng đảm bảo các nguồn thay thế cho Nga".
Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn đã "nhắm" Azerbaijan cho vai trò đối tác về năng lượng của mình.
Không phải ngẫu nhiên khi căng thẳng với Nga, dự án Đường ống dẫn Khí tự nhiên xuyên Anatoly (TANAP) của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan đã được tăng tốc và có thể hoàn thành trước thời hạn dự kiến là 2018.
Tuy nhiên, theo ông Pakhomov cho rằng, "còn quá nhiều câu hỏi (về sự hợp tác này)".
Ông Pakhomov nghi ngờ liệu Azerbaijan có thể giữ lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu hay không khi tập đoàn khí đốt nước này Shah Deniz - dự kiến sẽ là nguồn cung chính cho TANAP, phải chịu áp lực cung đủ khí đốt cho Gruzia nếu không muốn Gruzia hợp tác với Nga.
Thêm vào đó, vụ cháy giàn khoan dầu SOCAR - hiện đang cung cấp tới 60% sản lượng cho tập đoàn khí đốt Shah Deniz cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực tới tổng sản lượng chung.
"Chính trị cũng là một yếu tố. Mặc dù các cuộc thảo luận về việc Azerbaijan có tiềm năng lớn để trở thành đối thủ cạnh tranh với Nga ở châu Âu đã kéo dài hơn 20 năm nay, song quan hệ giữa Moscow và Baku vẫn còn khá thân thiết.
Các quan chức Azerbaijan rất thận trong trong việc bình luận về khả năng tăng cạnh tranh với Nga, ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine xảy ra".
"Tất cả những câu hỏi này cần phải được trả lời trước khi xét tới khả năng tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu".