Chuyến du hành đặc biệt đến Triều Tiên: Thủ đô Bình Nhưỡng

Vừa ra khỏi sân bay, chúng tôi được hướng dẫn viên thứ hai -anh Li- đón tiếp. Người đầu tiên đi cùng chúng tôi trong chuyến bay là anh Kim.

Tại Triều Tiên, dường như nhóm du lịch nào cũng phải có ít nhất 2 hướng dẫn. Những khách du lịch đơn lẻ mà chúng tôi gặp sau này cũng có hai hướng dẫn viên. Về lý thuyết, chúng tôi không được phép nói chuyện với những người dân khác.

Những ấn tượng đầu tiên

Sau một lúc, chúng tôi đi ngang vùng ngoại ô của Bình Nhưỡng, thấp thoáng bên đường là những khẩu hiệu và chân dung Chủ tịch Kim Nhật Thành. Xe buýt mất chừng 40 phút để đưa chúng tôi từ sân bay về nội thành Bình Nhưỡng trước khi màn đêm buông xuống. Cảnh tượng trở nên xúc động. Những đại lộ rộng thênh thang nhưng thiếu vắng trung tâm thương mại, nhà hàng. Thiếu vắng màu sắc hay một sự phá cách nào khác. Một vài tòa nhà và công trình khổng lồ thi thoảng hiện lên giữa những khu chung cư hình hộp to lớn và giống nhau.

Người dân Triều Tiên ít khi cười. Tôi chụp ảnh một trong những nữ đồng chí cảnh sát giao thông điều khiển giao thông giữa những ngã tư vắng bóng xe cộ. Người nữ cảnh sát xoay liên tục theo các hướng để điều hòa những dòng xe ít ỏi. Tất cả họ đều xinh xắn.

Ban đầu chúng tôi đi theo con lộ vắng, thi thoảng chúng tôi thấy một vài chiếc xe Mercedes cũ và vài chiếc ôtô Nhật có vẻ đời mới hơn lướt qua. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là số lượng người đi bộ trên tuyến đường này. Đi bộ có vẻ phổ biến nhất ở Triều Tiên. Điểm đặc biệt khác, dân Triều Tiên thường di chuyển theo đám đông: công nhân làm cùng nhà máy đi về cùng nhau, trẻ em đi học và binh lính.

Ấn tượng thứ ba là số lượng binh lính. Tôi đã từng ấn tượng bởi số lượng người mặc quân phục trong những chuyến đi đầu tiên của tôi đến Trung Quốc trước đây, nhưng điều này không sánh lại với những gì tôi thấy ở Triều Tiên. Anh Kim tự hào nói với tôi rằng quân đội Triều Tiên có khoảng hơn một triệu lính (đất nước có 22 triệu dân). Ấn tượng thứ tư: người Triều Tiên khá gầy. Vài năm sau, khi tôi trở lại Bình Nhưỡng, những ấn tượng này vẫn không thay đổi là mấy.

Đi một lúc, mật độ dân cư có vẻ dày hơn chắc tại vì đó là cổng nhà máy và công sở. Những bộ quân phục vẫn xuất hiện nhiều. Đám đông người Triều Tiên có vẻ đồng nhất nếu so với kiểu đám đông châu Âu hay Trung Quốc, họ dường như đi cùng nhau. Trẻ con đi theo hàng lối sát nhau. Những nhóm binh lính khoảng mười người đi san sát. Từng nhóm công nhân di chuyển như thể là một người duy nhất. Những nhóm phụ nữ mặc quần áo truyền thống. Những người đàn ông mặc quần áo màu xám hoặc hạt dẻ, còn phụ nữ ăn mặc đa dạng hơn.

Trang phục kiểu truyền thống gần như biến mất ở Hàn Quốc, nhưng lại rất phổ biến ở Triều Tiên. Phụ nữ ăn mặc có vẻ hiện đại và có cố gắng làm dáng dù vẫn còn khác biệt với mốt Tây Âu. Một vài bến xe buýt tập trung khá nhiều công nhân. Rất ít xe cộ trên đường, ngoài những chiếc xe buýt, xe điện. Cũng rất ít xe đạp. Một trong những thành viên của nhóm chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về số lượng ôtô đi lại ít ỏi trên đường. Anh Kim trả lời đó là chủ trương để chống ô nhiễm đô thị và không bị rơi theo khó khăn của Seoul (Hàn Quốc) với những vụ kẹt xe và ô nhiễm do xe hơi.

Một lúc sau, chúng tôi về đến khách sạn, tòa nhà thật ấn tượng cao 47 tầng, phía trên cùng là một nhà hàng quay nhìn được toàn cảnh thành phố, nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông.

Tàu điện ngầm


	Quang cảnh tàu điện ngầm Triều Tiên

Quang cảnh tàu điện ngầm Triều Tiên

Thức giấc vào sáng sớm, kéo tấm riđô, tôi cảm thấy dễ chịu vì thời tiết thật tuyệt vời và vì rằng phòng của tôi nhìn ra phía sông, về hướng sân vận động 1-5 và tháp Juche (Tự chủ). Ăn sáng ở nhà hàng quay và nhìn toàn cảnh thành phố.

Sự mất cân bằng của thành phố thể hiện ở những tòa nhà chung cư. Không có những tòa nhà thấp và chẳng có tòa nhà nào cổ kính cả. Cũng cần phải nói là thành phố đã bị san phẳng trong chiến tranh Triều Tiên, và đó là mảnh đất tự do cho các kiến trúc sư ra tay làm lại mọi thứ theo ý tưởng của họ. Tất cả đều là những tòa nhà cao lớn, hoành tráng nhưng không đẹp lắm.

Chúng tôi đi một vòng qua các công trình lớn của thành phố. Những khẩu hiệu cổ động hiện diện ở một số nơi, phần lớn mô tả người lính đang chiến đấu, những người lao động phấn khởi, tất cả đặt dưới nụ cười nhân từ của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Trái lại rất ít khẩu hiệu có hình con trai ông, Kim Jong Il, chỉ có vài khẩu hiệu ghi: "Kim Jong Il muôn năm, mặt trời của thế kỷ 21".

Chúng tôi đi vào một bến tàu điện ngầm. Tôi không rõ độ sâu của tàu điện Bình Nhưỡng là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là khác với tàu điện ở châu Âu và Trung Quốc. Quãng đường đi thường kéo dài mấy phút. Đi xuống dưới bến tàu có vẻ tối hơn, có lẽ vì lý do tiết kiệm điện. Bến tàu rất hoành tráng theo truyền thống Xô viết. Toa tàu cũ kỹ và nhìn hơi tối tăm. Chúng tôi đi vào toa và di chuyển một hay hai bến gì đó. Bên trong mỗi toa tàu đều có chân dung hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.

Ở thang cuốn đi lên mặt đất, tôi tận dụng cơ hội tách ra khỏi anh Kim và Li và thử tỏ ra tươi cười với những người tôi gặp. Nhưng họ không nhìn tôi. Trong khi ở Thượng Hải, nơi người nước ngoài rất nhiều, tôi lại luôn cảm thấy mình là đối tượng của sự tò mò đôi khi là hơi bực mình. Điều này trái ngược với ở Bình Nhưỡng, mặc dù có rất ít người nước ngoài ở đây. Trong thang máy phía trước có một chú nhóc năm hay sáu tuổi nhìn tôi chằm chằm, tôi nở một nụ cười hoành tráng và chú nhóc cười lại với tôi liền. Tôi cảm thấy thật vui!

Một ấn tượng với tác giả: khách sạn 47 tầng rất hiện đại, tiêu chuẩn bốn sao và có hầu hết những thứ mà người ta vẫn mong đợi ở khách sạn loại này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại