Trong chuyến đi đó, tôi thăm lại một số nơi cũ mà tôi đã đi qua lần đầu. Cảm xúc mỗi lần một khác, dù những nơi chốn đó không có gì thay đổi là mấy.
Đan Đông
Vào cuối năm 2005, trên đường từ Siberia trở về Trung Quốc, tôi dừng chân ở Thẩm Dương, và bằng mọi giá tìm đến ghé chơi Đan Đông, thành phố biên giới của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên.
Có hai lý do: thứ nhất là được thấy lại Triều Tiên gần nhất có thể, thứ hai là có thể mua sắm những thứ không có bán ở Triều Tiên. Dù mệt mỏi và đến Đan Đông muộn, tôi vẫn không thể cưỡng lại ý muốn đi dạo trên bờ sông Áp Lục. Bầu trời ở Đan Đông còn chưa tối, nhưng vẫn không thể thấy được những gì phía bên kia bờ sông, tức là phía bên đất Triều Tiên.
Tôi luôn mơ ước mua được loại huy hiệu mà đảng viên Đảng Lao động Triều Tiên vẫn đeo, có khắc hình chủ tịch Kim Nhật Thành, hay những chiếc áo T-shirt và những vật dụng có hình ảnh Triều Tiên khác.
Mặc dù đã muộn, nhưng tôi vẫn gặp một người phụ nữ đứng tuổi đang dọn hàng bên sông Áp Lục. Tôi đã mua được ba chiếc huy hiệu: chiếc cổ nhất có hình vị chủ tịch Kim Nhật Thành lúc 60 tuổi, một chiếc lúc ông có vẻ trẻ hơn và một chiếc có hình Chủ tịch Kim Jong Il.
Chắc hẳn là đồ copy, vì những chiếc huy hiệu loại này hoàn toàn không được phép bán ở Bắc Triều Tiên. Sáng hôm sau tôi quay lại chỗ hôm trước, cuối cùng thì tôi cũng có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc phía bên kia dòng Áp Lục đang trong tầm mắt.
Thành phố Sinuiju (Tân Nghĩa Châu) của Triều Tiên vốn gần Đan Đông nhưng nó hơi lùi vào một tí so với dòng sông, nên tất cả những gì mà người ta có thể thấy đó là một vài ống khói nhà máy, những con tàu cũ kỹ và một vài tòa nhà.
Gần mà xa
Trong một nhà hàng Triều Tiên ở Đan Đông với các tiếp viên đeo huy hiệu có hình cờ Triều Tiên trên ngực áo
Cũng như các khách du lịch khác, tôi lên một chiếc thuyền nhỏ có động cơ để làm một vòng dòng sông trong khoảng nửa giờ. Tôi không chờ đợi một điều gì đó lớn lao trong chuyến đi đến Đan Đông, ngoại trừ có thể nhìn rõ hơn bờ sông phía Triều Tiên.
Lúc lên thuyền, người ta mời tôi thuê một ống nhòm với giá 10 nhân dân tệ để có thể ngắm "các nữ binh sĩ Triều Tiên xinh đẹp".
Chúng tôi lướt dưới cây cầu mà nửa bên phía Triều Tiên đã bị bom Mỹ phá hủy năm 1950, rồi chúng tôi tiến lại phía bờ sông bên Triều Tiên.
Có những lúc chúng tôi thật sự đã tới rất gần, chỉ cách bờ khoảng 10m, nhìn rõ mọi thứ, thậm chí có thể nói chuyện với những người trên bờ sông nếu cả hai bên nói cùng một ngôn ngữ. Những đứa trẻ thân thiện vẫy tay nói cúc cu chào tôi, dĩ nhiên chúng nhận ra tôi không phải là người Trung Quốc. Chủ thuyền tỏ ra khá phấn khích khi chỉ cho tôi các nữ quân nhân Triều Tiên.
Bờ sông phía Triều Tiên thật hoang vắng, mấy chiếc xuồng hoen gỉ trôi nổi, có vài chiếc vẫn chạy ngược xuôi. Các thủy thủ trên những con tàu Triều Tiên làm như không để ý đến chúng tôi dù chỉ cách 3 hay 4m. Cũng không có gì làm lạ vì họ vẫn thường thấy có những chuyến du lịch ở khu vực này.
Trên bờ, tôi thấy một tấm băngrôn màu đỏ và trắng, đặc trưng cho kiểu khẩu hiệu chính trị ở Bắc Triều Tiên. Ở khu vực đó, tôi thấy có một số lượng đáng kể người lao động đang hối hả làm việc.
Con thuyền quay trở lại phía bờ Trung Quốc và tôi thử chụp ảnh một anh lính. Anh lính đang chăm chú quan sát tôi. Thế là tôi chào anh ta theo kiểu nhà binh và anh ta cũng đáp lại y chang và mỉm cười. Những người lính Triều Tiên luôn luôn dễ mến như vậy đó.
Giờ ăn đã đến, tôi không mấy khó khăn để tìm đến một nhà hàng Triều Tiên ở đất Trung Quốc. Một lá cờ xanh trắng với ngôi sao đỏ ở giữa là dấu hiệu giúp tôi nhận ra nhà hàng Triều Tiên ở đây.
Một cô gái Triều Tiên xinh xắn trong bộ áo truyền thống tươi cười chào đón tôi. Bên trong nhà hàng, tất cả các nữ tiếp viên đều mang huy hiệu có cờ Bắc Triều Tiên, trong khi màn ảnh vô tuyến đang phát kênh tiếng Triều Tiên.
Mấy cô này đều đến từ Bình Nhưỡng và chỉ đến Trung Quốc mới có một năm, sẽ ở lại đây ba năm, rồi quay về nhà sau khi kiếm được kha khá tiền. Khi được hỏi là họ thích Bình Nhưỡng hay Đan Đông hơn, các cô đều trả lời không do dự là thích Bình Nhưỡng hơn, vì "chúng tôi không phải người Trung Quốc, đây không phải là quê hương chúng tôi".
Về sau, khi tìm hiểu, tôi biết người Bắc Triều Tiên cư trú khá đông ở Đan Đông, hợp pháp cũng như bất hợp pháp.
Thượng Hải
Một buổi tối, ở Thượng Hải (Trung Quốc), tôi đi ăn tối tại nhà hàng Triều Tiên có tên Bình Nhưỡng cùng với một người bạn Pháp. Bước chân vào cửa, tôi bị thu hút bởi ở chính diện của nhà hàng có một tấm ảnh rất lớn núi Paektu (Bạch Đầu sơn) biểu tượng của Bắc Triều Tiên và một vài bức tranh lụa truyền thống treo trên cột. Một tiếp viên hỏi tôi từ đâu tới, tôi trả lời và hỏi lại cô ta câu hỏi đó. "Từ Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên ", cô ta đáp bằng tiếng Trung không chuẩn lắm.
Các cô tiếp viên nói rằng đã đến Thượng Hải được một năm và sẽ ở lại đây trong ba năm, như mấy cô ở Đan Đông. Chẳng lẽ năm ngoái Chính phủ Bắc Triều Tiên có chính sách gửi người ra nước ngoài làm việc với thời hạn ba năm chăng?
Chúng tôi chọn món ăn và chú ý một hàng lời dạy của chủ tịch Kim Nhật Thành ngay trang đầu cuốn thực đơn. Món ăn quả thật là ngon, ngon hơn nhiều nhà hàng Triều Tiên mà tôi đã ăn ở Thượng Hải.
Tôi đặc biệt thích món xúp cá, rất giống món xúp cá của Pháp. Đến lúc chuyển sang đeo mấy cái huy hiệu mà tôi đã mua hôm ở Đan Đông. Hai thằng Pháp chúng tôi đeo huy hiệu chủ tịch Kim Nhật Thành lên ngực. Hiệu quả tức thì, các cô tiếp viên tiến đến gần nhìn chúng tôi và cười trìu mến.
Một góc nhỏ của Triều Tiên ở Thượng Hải, tuy xa đất mẹ nhưng lại thật gần nhà tôi. Không nghi ngờ gì tôi lại sẽ đặt chân đến, không chỉ vì không khí ở đó. Và mai này, không nghi ngờ gì tôi sẽ lại đặt chân đến Bắc Triều Tiên, không chỉ vì tò mò như chuyến đi đầu tiên khá đặc biệt.