Một số tỉ phú siêu giàu, những người thu vén tài sản trước khi xảy ra chính biến tháng 2/2014 vẫn giữ được vị thế tại một “Ukraine mới”.
Lý do là bởi giới lãnh đạo lên nắm quyền cần có các đồng minh trong cuộc chiến chống lại lực lượng đòi độc lập ở miền Đông – Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) tiết lộ.
Thế nhưng liên minh giữa chính quyền Kiev và giới tài phiệt đã “mất đi sức mạnh gắn kết” khi tình hình ở miền Đông tương đối yên tĩnh.
Chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko và những người thân cận vẫn đứng vững, các nước phương Tây bắt đầu đổ tiền vào để "giải cứu" Ukraine. Đó là thời điểm để hành động.
“Tại Ukraine, các trùm tài phiệt rơi rụng như lá mùa thu; không phải đồng loạt, không phải theo cách thức đâm đầu xuống địa ngục tức thời, mà là từng người một, chậm dãi, trượt dần”, phóng viên Konrad Schuller mô tả trong bài viết “Quyền lực của các tỉ phú”.
Theo Schuller, Igor Kolomoisky, người được xem là “nhân vật cứng đầu nhất trong số những doanh nhân cứng đầu” chính là nạn nhận đầu tiên phải ra đi.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Poroshenko sa thải tỉ phú này, buộc Kolomoisky rời khỏi cương vị Thống đốc vùng Dnipropetrovsk.
Tiếp đến, Igor Palytsia - một đồng minh của Kolomoisky, thống đốc Odessa cũng mất chức, nhường chỗ cho cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili, đồng minh của ông Poroshenko.
Tài phiệt khí đốt Dmytro Firtash và tỉ phú than-thép Rinat Akhmetov cũng không tránh được những kết cục xấu. Cánh tay phải của Firtash trong cơ cấu quyền lực tại Kiev Valentyn Nalyvaichenko cũng vừa bị bãi miễn cương vị Giám đốc Cơ quan an ninh Ukraine (SBU).
Các mỏ than, nhà máy thuộc quyền của người giàu nhất Ukraine Akhmetov cũng bị đạn pháo phá hủy trong các đợt giao tranh và tỉ phú này giờ chỉ còn là “cái bóng của chính mình”, Schuller bình luận.
Chỉ còn một “tia sáng” duy nhất trong giới tài phiệt trước đây còn tồn tại, đó chính là Tổng thống Poroshenko - người với khối tài sản ước tính đạt 1,3 tỉ USD, với nhiều lĩnh vực kinh doanh và chưa thực hiện những lời hứa trước kì bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái.
Nghị sĩ Viktoriia Voitsitska thuộc đảng Tự cứu thì tin rằng, đang xuất hiện một nhóm tài phiệt mới xung quanh ông Poroshenko. Họ toan tính chiếm giữ thị trường năng lượng ở Ukraine - Schuller nhìn nhận.
Chi tiết hơn, theo tìm hiểu của Schuller, Bộ trưởng Năng lượng & Mỏ Volodymyr Demchyshyn, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Valeriia Hontareva, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Giám sát Năng lượng, Tài sản công được cho là những nhân vật thân cận của Tổng thống.
Tất cả đều có liên quan đến Quỹ đầu tư Ukraine (ICU).
Ukraine đang đẩy nhanh việc bán tài sản nhà nước dưới hình thức tư nhân hóa. Các nhà đầu tư phương Tây không có đủ thời gian để thẩm định tài sản nào sẽ mang lại lợi nhuận.
Người duy nhất biết và có thể mua được khối tài sản “màu mỡ” này chỉ có thể là các cá nhân nằm trong “nhóm lợi ích” thân cận với Tổng thống Poroshenko.