Mỹ ghen tị với Nga?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nga Kommersant mới đây, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev đã cáo buộc Mỹ "thực sự muốn nước Nga không tồn tại".
Ông này cho hay, Nga đang sở hữu tài nguyên thiên nhiên vô cùng lớn, còn “người Mỹ luôn tin rằng chúng ta đã có chúng một cách không xứng đáng và trái luật, bởi theo góc nhìn của họ, chúng ta đã không thể sử dụng chúng đúng cách”.
Trong suốt gần 10 năm nay, luận điểm “Mỹ ghen tị với tài nguyên thiên nhiên của Nga” đã được không ít quan chức Nga, kể cả các quan chức cấp cao sử dụng khi tố cáo “dã tâm” của Mỹ.
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, trong một bài bình luận viết cho tờ Izvestia năm 2012, cũng viết: “Sự thất bại của ông Putin sẽ khiến nhiều người hạnh phúc, ví dụ như bà Albright, người luôn mơ về sự trù phú của Siberia” .
Trên thực tế, điều này bắt nguồn từ một tuyên bố gây tranh cãi, được cho là của nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, rằng tài nguyên thiên nhiên của Siberia quá phong phú, quan trọng với thế giới, và thật bất công khi Nga được một mình nắm giữ nó.
Thứ gây tranh cãi ở đây là tính xác thực của tuyên bố này.
Tổng thống Putin tại Siberia
“Tôi không biết”
Khi được chọn để đặt câu hỏi cho Tổng thống Putin trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân năm 2007, Alexander Sibert, thợ cơ khí tại Novosibirsk (Siberia), đã đề nghị ông chủ Điện Kremlin bày tỏ ý kiến về tuyên bố được cho là của bà Albright.
Trên sóng truyền hình trực tiếp, Tổng thống Nga thừa nhận "một số chính khách có những suy nghĩ ấy trong đầu", song khẳng định, "tôi không biết về tuyên bố này của bà Albright".
Vài ngày sau đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho hay ông không chắc phát ngôn của bà Albright có thật hay không.
Phóng viên báo Nga The Moscow Times đã bắt tay vào tìm hiểu xem sự thật là bà Albright đã nói gì.
Ông Sibert, chủ nhân của câu hỏi gây xôn xao dư luận năm đó, đã vô cùng bối rối khi phóng viên The Moscow Times muốn biết ông thấy phát ngôn đó ở đâu.
Người đàn ông 70 tuổi này cuối cùng đã không thể trả lời được câu hỏi ông đọc nó ở nguồn nào, hay nghe nó từ đâu. "Tôi không biết. Có thể là tôi đã nhầm. Nhưng tôi không nghĩ vậy".
Về phần mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ Albright, thông qua phát ngôn viên, đã phủ nhận việc từng nói những điều như vậy: "Tôi không đưa ra tuyên bố đó, thậm chí còn chưa từng nghĩ tới nó".
Nhiệm vụ tuyệt mật
Trong bài viết đăng tải năm 2007, The Moscow Times đã đề cập tới 2 tình huống dẫn tới sự ra đời của phát ngôn gây tranh cãi này.
Báo này đã dẫn lời nhà hoạt động ủng hộ Kremlin Robert Shlegel cho hay, bà Albright từng bày tỏ sự ghen tị với Nga khi trả lời phỏng vấn ông Alexei Pushkov trong một chương trình có tên gọi Postscriptum năm 2005.
Điều kì lạ là, chủ nhiệm chương trình này Oksana Yanovskaya khẳng định chắc chắn rằng "không có cuộc phỏng vấn đó", dù trên thực tế, ông Pushkov đã từng gặp bà Albright vài lần.
Yanovskaya cho hay bản thân bà cũng đã liên lạc với ông Pushkov và ông này không thể nhớ mình đã nghe, hay xem được phát biểu đó ở đâu.
Tình huống thứ hai được The Moscow Times nêu ra là cuộc phỏng vấn sĩ quan KGB về hưu, tướng Boris Ratnikov, với báo Nga Rossiiskaya Gazeta vào tháng 12/2006.
Theo The Moscow Times, ông Ratnikov đã tiết lộ rằng mặc dù cựu Ngoại trưởng Albright không nói ra điều đó, song nó tồn tại trong suy nghĩ của bà.
Cụ thể, vị tướng Nga về hưu cho hay, những đồng nghiệp của ông tại đơn vị tuyệt mật của Tình báo Liên Xô KGB, có nhiệm vụ đọc suy nghĩ của người khác, đã tiếp cận được ý nghĩ trong đầu bà Albright thông qua các bức ảnh của cựu nữ Ngoại trưởng.
Mặc dù ông Ratnikov không tham gia trực tiếp vào nhóm thực hiện, song lại đảm nhiệm vai trò chuyên gia phân tích các dữ liệu mà đồng nghiệp thu được.
Điều này diễn ra vài tuần trước liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đánh bom Yugoslavia, bắt đầu can thiệp quân sự vào Kosovo năm 1999. Bà Albright đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch này và sau đó đã phải chịu nhiều lời chỉ trích từ phía Nga.
The Moscow Times dẫn câu trả lời của ông Ratnikov trên tờ Rossiiskaya Gazeta:
"Bà ta phẫn nộ vì thực tế rằng Nga là quốc gia có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới. Bà ta cho rằng Nga không nên sở hữu chúng mà nên chia sẻ với tất cả nhân loại dưới sự giám sát, tất nhiên, của Mỹ".
Cho tới giờ, hiện vẫn chưa rõ những thông tin mà ông Ratnikov cung cấp năm 2006 có đúng sự thật hay không.
Và mặc dù nguồn gốc của tuyên bố mang sự ghen tị, được cho là từ bà Albright, vẫn chưa được tìm ra, song các quan chức Nga vẫn không bỏ qua cơ hội dẫn lại nó khi có dịp.