Trang Đa Chiều bình luận, việc Đối thoại Kinh tế & Chiến lược Mỹ-Trung hôm 23-24/6 vừa qua đạt được những kết quả khả quan đã khiến mối nghi ngại về sự thân mật của quan hệ Nga-Trung bị đặt dấu hỏi trong những ngày gần đây.
Khác với quan hệ Mỹ-Trung vốn được cho là "vừa hợp tác, vừa đối đầu", báo chí phương Tây đánh giá quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow luôn mật thiết và khá tốt đẹp.
Đặc biệt, kể từ khi Nga xích lại gần Trung Quốc hơn do bị Mỹ-đồng minh trừng phạt, phương Tây gần như đã mặc định Nga-Trung sẽ trở thành "đồng minh".
Nhưng bất chấp thực tế này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngần ngại tuyên bố công khai rằng Moscow "sẽ không thành đồng minh với Bắc Kinh", và mới đây Điện Kremlin xác nhận việc ông Putin thăm chính thức Nhật Bản trong năm nay.
Hành động "dội nước lạnh" lên Trung Quốc của Tổng thống Nga không chỉ khiến Bắc Kinh "hụt hẫng", mà chính truyền thông phương Tây cũng cảm thấy bất ngờ.
Theo Đa Chiều, quan hệ Nga-Trung vẫn luôn được Trung Quốc xem trọng kể từ sau khi Liên Xô tan rã, và mối quan hệ này cũng tiến triển khá thuận lợi trong hơn 20 năm qua.
Trong 1 năm qua khi Nga bị cấm vận, Tổng thống Putin dù có phủ nhận việc "liên minh quân sự" với Trung Quốc, nhưng thái độ của ông chưa khi nào dứt khoát như tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg vừa qua.
Tuyên bố "không liên minh với Trung Quốc" hiển nhiên là nhằm vào Mỹ và đồng minh, song nhà bình luận thời sự Trung Quốc Tăng Kim Nhuận cho rằng phát ngôn của ông Putin cũng dành cho các lãnh đạo Trung Nam Hải.
Đối thoại Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng là một dấu hiệu hòa hoãn thấy rõ. Điều này khiến giới quan sát nhận định tuyên bố của Putin nhằm ám chỉ "quan hệ Nga-Trung tưởng như kiên định, hóa ra lại không bằng Trung-Mỹ".
Truyền thông phương Tây đánh giá, quan hệ mật thiết Nga-Trung thể hiện nhiều ở phương diện chính trị và chiến lược, xuất phát từ thực tế Nga là quốc gia kế thừa từ thời Liên Xô.
Vì vậy, sự phân cực trong quan điểm giữa 2 nước vào thời điểm này - thể hiện qua động thái của ông Putin - là không thể xem thường.
Ông Henry Kissinger - Ngoại trưởng thứ 56 của Mỹ (1973-1977) - đã dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành một "đồng minh ngầm" với Washington.
"Sự mập mờ nguy hiểm" Mỹ-Trung làm Nga khó chịu?
Dễ dàng phát hiện, mối hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân lịch sử, rất nhiều vấn đề nhạy cảm đều được đôi bên đưa lên bàn nghị sự.
Tuy vậy, quan hệ Trung-Mỹ trong mấy chục năm trở lại đây dù luôn thể hiện trạng thái đối đầu, thậm chí xem nhau như kẻ địch, nhưng bên trong lại không ngừng có sự "bắt tay ngầm" để thúc đẩy quan hệ ngoại giao.
Điều này giải thích lý do Bắc Kinh có thể dễ dàng đưa ra tuyên bố "sắp hoàn thành xây đảo nhân tạo (phi pháp-PV) ở Biển Đông" hôm 16/6 như 1 động tác nhượng bộ Mỹ trước thềm Đối thoại, trong khi ngay trước đó song phương vẫn chỉ trích nhau quyết liệt.
Đa Chiều bình luận, ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng minh Trung Quốc và Mỹ đang tiến tới "quan hệ đồng minh ngầm", như nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ Henry Kissinger từng dự đoán.
Tuyên bố của Tổng thống Putin tại St. Peterburg hôm 18/6 - chỉ 2 ngày sau tuyên bố của Trung Quốc - được giới quan sát nhận xét là biểu hiện của việc Nga đã nhìn thấy "mối quan hệ mập mờ" giữa Mỹ-Trung này.
Khác với Nga - vốn luôn đối đầu với Mỹ trong hầu hết các lĩnh vực, Trung Quốc ngược lại có sự hợp tác với Washington trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như hạt nhân Iran hay Triều Tiên...
Cũng trong thời gian diễn ra Đối thoại Mỹ-Trung tại Washington, truyền thông Nga cũng có những phản ứng khá "thú vị", Đa Chiều cho hay.
Báo Độc Lập Nga dẫn lời Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski từng bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ "cùng cai quản thế giới".
Báo Nga bình luận ý tưởng này "rất không thực tế", với lý do mâu thuẫn và khác biệt giữa Trung-Mỹ quá lớn. Tất nhiên, việc ông Putin "nóng mắt" trước sự "đưa đẩy" của Bắc Kinh và Washington cũng được tờ báo đưa ra.
Tuy nhiên, học giả Tăng Kim Nhuận cho rằng, không chỉ Putin phủ nhận "quan hệ đồng minh" với Trung Quốc, mà chính Bắc Kinh cũng chưa từng thừa nhận mối quan hệ này.
"Thái độ của Tổng thống Putin cho thấy sự bất mãn của nước Nga trước việc Bắc Kinh 'không hề có sự giúp đỡ thiết thực với Moscow' khi Nga bị phương Tây trừng phạt.
Có thể, Nga đang mượn chính phương Tây để thách thức và trả đũa lại Trung Quốc" - ông Tăng đánh giá.
Đa Chiều kết luận, tuyên bố "kết bạn không kết bè" của Bắc Kinh trước đây, lúc này đang trở thành "con dao 2 lưỡi" khi Nga đã nhận ra Trung Quốc có thể dùng khẩu hiệu này để "kết bạn" với chính các thế lực thù địch của Moscow.
Và sự cải thiện quan hệ Nga-Nhật có thể mới chỉ là bước đầu tiên của Tổng thống Putin trong việc giành lại vị thế của Nga trước Trung Quốc.