Theo phân tích của chuyên gia Leonid Bershidsky trên Bloomberg, nếu người được chọn để thay thế Boris Yeltsin khi ấy là ông Primakov, chính sách đối ngoại cứng rắn của Nga với phương Tây có thể đã được áp dụng sớm hơn.
Câu chuyện về sự nghiệp của cố Thủ tướng Nga Primakov là minh chứng rõ ràng cho nhận định của chuyên gia này.
Hành trình từ học giả đến chính trị gia
Trước khi tham gia chính phủ, Yevgeny Primakov là một học giả chuyên nghiên cứu về Trung Đông được đánh giá rất cao.
Thời Liên Xô, ông công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông tổ chức và điều hành Viện nghiên cứu Kinh tế và Quan hệ Quốc tế, cơ quan đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính phủ Liên Xô bấy giờ, và là cố vấn tin cậy của Mikhail Gorbachev.
Mùa hè năm 1991, Tổng thống duy nhất của Liên Xô đã tin tưởng giao cho Primakov trọng trách lãnh đạo cơ quan tình báo quốc tế thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB). Ông trở thành người đầu tiên không thuộc công an/quân đội được bổ nhiệm vào vị trí này.
4 tháng sau, Liên Xô tan rã. Ngay sau khi trở thành ông chủ mới của điện Kremlin, Boris Yeltsin đã cho giải thế KGB. Tuy nhiên, Tổng thống Nga đầu tiên đã quyết định giữ Primakov lại, và bổ nhiệm ông vào chức vụ Cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại Nga (SVR).
Ông Primakov nhanh chóng nhận được sự kính nể từ giới tình báo Nga với việc giữ lại tất cả những gương mặt quan trọng từ thời KGB. Ông cũng không màng đến quân hàm và quyết định từ chối việc phong tướng, một quyền lợi kèm theo chức vụ Cục trưởng SVR.
Tuy chỉ nắm giữ chức vụ này trong 4 năm, nhưng Primakov đã để lại nhiều dấu ấn, trong đó có thể kể đến sách trắng do SVR xuất bản năm 1993 với nhan đề "Sự Phát triển của NATO và Lợi ích Quốc gia của Nga".
Đây được coi là một trong những tài liệu đầu tiên thể hiện sự lo ngại của Nga trước nguy cơ bị Mỹ cô lập. Sau đó, SVR sau đó tiếp tục trình lên Yeltsin những bản báo cáo với nội dung tương tự.
Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kì đầu tiên, Yeltsin vẫn coi các lãnh đạo phương Tây là đồng minh.
Nhưng khi cuộc bầu cử Tổng thống 1996 đã cận kề, Yeltsin bắt đầu nghĩ lại. Ông nhận ra rằng bắt tay với phương Tây không đem lại lợi ích nào rõ rệt cho Nga. Ông quyết định sa thải Ngoại trưởng Andrei Kozyrev, một người thân phương Tây, và thay bằng Primakov.
Như hổ được thả về rừng, ông Primakov lập tức đẩy mạnh tái thiết quan hệ với các đồng minh lâu năm của Liên Xô khi xưa tại Arab như Syria và Iraq, đồng thời kịch liệt phản đối Mỹ trong việc giành độc lập cho Kosovo.
Chính nhờ ảnh hưởng của Primakov mà Yeltsin khi đó đã bắt đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của một "thế giới đa cực", một cụm từ mà ông Putin ngày nay vẫn thường sử dụng khi nhắc tới sự cần thiết của việc khắc chế sự thống trị của Mỹ.
Năm 1999, trong một sự kiện khó quên mang tên "Cú Quay đầu của Primakov", ông đã ra lệnh phi công quay đầu giữa Đại Tây Dương trên đường công du tới Washington để trở về Moscow, sau khi biết tin NATO đã tiến hành không kích Nam Tư cũ.
Ngoài ra, ông Primakov cũng chính là người đã đề xuất thành lập tam giác chiến lược Nga - Trung - Ấn để đối phó với Mỹ, và bắt tay chống lại "cuộc cách mạng màu" ở Trung Á.
Dấn thân vào chính trị
Năm 1998, Yeltsin bổ nhiệm Primakov vào chức Thủ tướng. Tuy nhiên, những bất đồng với nhóm семья (gia đình) và các nhà tài phiệt của điện Kremlin đã khiến ông bị cách chức chỉ sau một năm cầm quyền.
Sự việc này đã khiến Primakov tức giận, và ông quyết định dấn sâu vào con đường chính trị. Ông thành lập đảng Tổ quốc - Toàn Nga (Отечество – Вся Россия) và tham gia bầu cử quốc hội năm 1999, nhưng thất bại trước đảng Nước Nga Thống nhất của Putin.
Thất bại này đã khiến ông Primakov từ bỏ ý định tranh cử Tổng thống. Ông Putin được chọn làm Tổng thống tạm quyền trong đêm giao thừa năm 2000 sau khi Yeltsin từ chức. Đảng Tổ quốc - Toàn Nga sau đó cũng được ghép vào cùng với Nước Nga Thống nhất.
Trong nhiệm kì đầu tiên, ông Putin cho thấy những dấu hiệu thân phương Tây, thậm chí còn đề cập đến khả năng Nga gia nhập NATO. Nhưng đó đã là chuyện của ngày xưa lắm rồi.
"Nước Nga nhìn nhận các giá trị nhân đạo như quyền dân chủ dưới lăng kính của riêng mình, trong đó tính đến những yếu tố truyền thống, lịch sử, sự đa sắc tộc cũng như vị trí địa lý của liên bang.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Nga không chấp nhận những lời khuyên bảo hay chỉ đạo vô căn cứ từ các thế lực bên ngoài. Và mô hình xã hội cũng như chính phủ Nga sẽ được điều hành theo cách của riêng Nga".
Đây là một trích đoạn trong cuốn sách "Một Thế giới không có Nga" của ông Primakov, được xuất bản năm 2009.
Nhưng cũng có thể thấy đâu đó trong trích đoạn này những nét hao giống luận điểm chính ông Putin đang áp dụng ở thời điểm hiện tại với phương Tây.