Theo Bernama, đại diện các quốc gia ASEAN đã và đang kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), và tiến tới giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Phát biểu trong khuôn khổ diễn đàn "Xung đột và Hợp tác An ninh Đông Nam Á" diễn ra tại Bắc Kinh hôm 28/6 vừa qua, Giáo sư - Tiến sĩ Koh Tsu Koon, Hiệu trưởng trường Đại học Mở Wawasan, bày tỏ sự quan ngại về tình hình địa chính trị ASEAN ở thời điểm hiện tại.
"Trên phương diện các nước nhỏ như ASEAN, chúng tôi lo ngại rằng những tranh chấp hiện nay trên Biển Đông sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình khu vực" - ông Koh cho biết.
Giáo sư này nhận định, nếu các tranh chấp không thể được giải quyết qua đàm phán, các bên liên quan có thể đặt quyền quyết định vào tay Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Tuy nhiên, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn tránh không đưa vấn đề Biển Đông lên ICJ. Tại diễn đàn, ông Koh đã đặt một câu "hỏi xoáy" cho sự ngần ngại này của Bắc Kinh.
"Nếu Trung Quốc tự tin rằng những 'bằng chứng lịch sử và pháp lý' cho những tuyên bố chủ quyền (phi pháp - PV) của họ trên Biển Đông là xác thực, thì cớ gì nước này lại phải né tránh Tòa án Quốc tế như vậy?" - ông Koh phát biểu.
Hôm 27/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục "võ mồm" với tuyên bố Trung Quốc từ 1000 năm trước đã là một cường quốc trên biển, và cũng là nước đầu tiên phát hiện và sử dụng quần đảo Trường Sa (!?).
Trở lại với vấn đề ICJ, giáo sư Koh cho rằng tất cả các quốc gia ASEAN đều nhất trí Tòa án Quốc tế là mặt bằng chung hợp lý để các bên giải quyết tranh chấp.
Cùng chung nhận định với ông Koh, giáo sư - nhà nghiên cứu Barry Desker thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore cho rằng dù không có liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, các nước Singapore, Indonesia và Campuchia cũng có chung quan điểm này.
Ông Desker chỉ ra rằng, trong lịch sử, ICJ đã giúp ASEAN xử lý ổn thỏa một số trường hợp tranh chấp lãnh thổ như Pedra Branca, Middle Rocks, và South Ledge giữa Malaysia và Singapore, hay Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Malaysia và Indonesia.
Lúc này, theo ông Nguyễn Tông Trạch (Ruan Zongze), Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), các nước ASEAN đang thúc giục Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ đàm phán thiết lập COC.
Trong lúc COC đang trong quá trình đàm phán, phía Philippines đã quyết định đưa vấn đề Biển Đông ra ICJ. Tuy nhiên, theo ông Koh, các quốc gia ASEAN đều chưa có thực sự động thái nào công khai ủng hộ bước đi này của Manila.
Tuy nhiên, tất cả các đại diện của ASEAN đều có chung quan điểm rằng những hành vi bành trướng ngang ngược và trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là ngọn nguồn của tình hình địa chính trị căng thẳng gần đây trong khu vực.
ASEAN và Trung Quốc đã kí kết Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002, qua đó kì vọng có thể sớm dẫn tới một thỏa thuận pháp lý chung dưới dạng COC.
Tuy nhiên, hơn một thập kỉ sau, COC vẫn chưa thể được thiết lập.