"Lôi kéo" xong Putin, Nhật Bản vẫn chưa thôi làm TQ "điên đầu"

Hải Võ |

Không chỉ cải thiện quan hệ với Nga, Nhật Bản hiện đang khiến Bắc Kinh "đau đầu" hơn khi cùng Seoul đạt dấu mốc mới trong nỗ lực chuyển biến quan hệ Nhật-Hàn.

Nhật-Hàn cải thiện quan hệ, Mỹ "mở cờ" trong bụng?

Kể từ khi Mỹ quyết định đẩy mạnh trở lại chiến lược "xoay trục châu Á" của Tổng thống Barack Obama, cụ thể là vào tháng 5 vừa qua, Nhật Bản đã được truyền thông quốc tế đánh giá là "quân át chủ bài" giúp Mỹ đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ và tham gia tập trận chung với Philippines, chỉ trong vòng 3 tuần kể từ Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi đầu tháng 6, Tokyo đã thuyết phục thành công nước Nga để đi đến thỏa thuận về chuyến thăm Nhật của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh dường như tiếp tục phải "điên đầu" khi Nhật giúp Mỹ tiến gần hơn đến thành công của chiến lược "xoay trục", cụ thể nhất chính là hoạt động "lịch sử" kỷ niệm 50 năm bình thường quá quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc.

Đây là sự kiện vô cùng đáng chú ý bởi cách mà Nhật Bản và Hàn Quốc kỷ niệm sự kiện này đã nói lên rất nhiều điều.

Lễ kỷ niệm nói trên được đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc tổ chức tại Seoul, trong khi đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản tổ chức ở thủ đô Tokyo. Hai nhà lãnh đạo hai nước đều tới dự hoạt động.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Hãy cùng chiêm nghiệm lại 50 năm qua với những tiến bộ chúng ta đã đạt được để có thể cùng tiến lên, cùng nhau xây dựng một thế hệ mới”.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thì khẳng định: “Chúng ta phải biến năm nay thành một năm mang tính bước ngoặt trên con đường hai nước cùng đi.

Hãy hướng tới một tương lai hợp tác mới và vì thịnh vượng chung. Đây là trách nhiệm của chúng ta với các thế hệ tương lai”.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố, sự có mặt của các nhà lãnh đạo hai nước tại buổi lễ đã góp phần vào sự phát triển của mối quan hệ song phương.

Đây là bước cải thiện đáng kể nếu như so với việc hai bên chỉ trao đổi các tuyên bố bằng văn bản như nhiều người đã dự đoán trước đó.

Trước đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã tới Nhật hôm 21/6 để thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến quốc gia này kể từ khi ông nhậm chức năm 2013, cũng trong khuôn khổ dịp kỷ niệm trên.

Ông Yun đã có cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và Ngoại trưởng Nhật Kishida Fumio (phải).

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và Ngoại trưởng Nhật Kishida Fumio (phải).

Trung Quốc "lại" bất mãn?

Cũng giống với việc Nhật Bản tỏ thái độ tích cực và nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga, dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Nhật-Hàn cũng khiến Trung Quốc không vui.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng dù Tokyo có "làm thân" với Moscow hay Seoul thì tất cả cũng nằm trong chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" mà Mỹ là "ông lớn" đứng sau.

Lo lắng của Bắc Kinh không phải là không có cơ sở, bởi trước đây chính bà Park Geun-hye từng tuyên bố sẽ không gặp lãnh đạo Nhật Bản, trừ khi Tokyo khắc phục tội ác bắt gần 200.000 phụ nữ Hàn làm "úy an phụ" trong Thế Chiến II. 

Thế nhưng, cuộc hội đàm giữa 2 Ngoại trưởng Nhật-Hàn mới đây lại tiết lộ, mục tiêu ngoại giao tiếp theo của 2 nước là biến hội nghị thượng đỉnh giữa ông Abe và bà Park thành hiện thực.

Hồi tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc cũng đề ra chính sách "2 tầng" để xử lý quan hệ với Tokyo Theo đó, những vấn đề lịch sử-lãnh thổ sẽ được giải quyết độc lập với các quan hệ hợp tác về kinh tế và an ninh.

Điều này cho phép quan hệ song phương không bị bế tắc bởi khúc mắc lịch sử - vốn là mâu thuẫn nặng nề nhất giữa 2 quốc gia. Hội nghị Ngoại trưởng hôm 21 cũng đã thỏa thuận để thúc đẩy sáng kiến này của bà Park.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (phải) bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trước cuộc họp giữa 3 nhà lãnh đạo tại The Hague, Hà Lan hôm 25/3. Ảnh: AP.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (phải) bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại The Hague, Hà Lan hôm 25/3. Ảnh: AP.

Phản ứng trước việc Tokyo "tay bắt mặt mừng" với Nga rồi đến Hàn Quốc, hàng loạt tờ báo Trung Quốc đã đăng những bài bình luận thiếu thiện chí về quan hệ Nhật-Hàn.

Tân Hoa Xã hôm 23/6 đăng tải bài xã luận dài, với những luận điệu không mới rằng cho dù lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau, song phương cũng khó có thể giải quyết được vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ, quan niệm tồi tệ về nhau của người dân, định vị chiến lược Đông Á...

Truyền thông Trung Quốc cũng mỉa mai rằng, Mỹ "phải" ra tay "tác hợp" quan hệ Nhật-Hàn cũng vì muốn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tân Hoa Xã không ngại khẳng định "bóng đen của Mỹ bao trùm 50 bình thường hóa quan hệ Nhật-Hàn".

"Cũng giống như việc Mỹ nhúng tay khiến Nhật-Hàn thỏa hiệp 50 năm trước, mâu thuẫn lịch sử của 2 nước này sẽ không tự động biến mất.

Quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc - dưới cái bóng của Mỹ - sẽ không có bên nào chiến thắng, nhưng Nhật Bản sẽ là kẻ thua đau hơn.

Tokyo có thể thoát được món nợ lịch sử, nhưng phải trả giá đắt hơn bằng cách luôn phụ thuộc Mỹ về ngoại giao và mục tiêu chiến lược" - Tân Hoa Xã viết.

Báo chí Trung Quốc thậm chí còn dự đoán rằng Thủ tướng Nhật Abe "chưa chắc sẽ chịu hiện diện tại lễ kỷ niệm", trước khi hoạt động này diễn ra.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
Daniel Russel
Vai trò của Hàn Quốc và vai trò của một ‘ông lớn’ trong trật tự quốc tế. Đó là vai trò của một đất nước pháp trị. Đó là vai trò của một quốc gia thương mại, là vai trò của một quốc gia đã phát triển thịnh vượng dưới hệ thống quốc tế này.

Tuy nhiên, bất chấp thái độ hằn học từ Bắc Kinh, có khả năng, ông Shinzo Abe sẽ gặp mặt bà Park Geun-hye vào mùa thu này. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo này kể từ khi họ lên nắm quyền.

Hôm 5/6, 3 ngày trước khi diễn ra Hội nghị G7, Mỹ đã kêu gọi Hàn Quốc cần phải lên tiếng phản đối hành động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Washington gọi đây là cách để Seoul thể hiện vai trò của mình trong trật tự thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đến nay Seoul vẫn lựa chọn thái độ trung lập.

Nhưng nếu giờ đây Hàn Quốc từ chối không sát cánh cùng Australia, Philippines, hay Singapore trong việc lên án Trung Quốc và gìn giữ ổn định khu vực, thì trong tương lai các nước này có lý do gì để "mặn mà" với việc hỗ trợ Hàn Quốc?

Đứng trước những mâu thuẫn nội tại của một quốc gia "bậc trung", sự thiện chí của Nhật Bản rất có thể là lời giải vào thời điểm này đối với Seoul.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại