Chiến dịch không kích của Nga tạo khủng hoảng mới ở Syria?

Minh Thu |

Các cơ quan cứu trợ cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo tại phía bắc Syria đang ngày càng trầm trọng do Nga tăng cường không kích làm tê liệt nhiều tuyến đường chở hàng cứu trợ, buộc các bệnh viện phải đóng cửa và số người thương vong tăng mạnh.

Theo Washington Post, chiến dịch không kích của Nga không ngừng gia tăng kể từ sau sự kiện Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24/11.

Còn theo bản báo cáo hồi tháng này của Văn phòng Điều phối viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc, mục tiêu trong các cuộc không kích của Nga nhằm vào những địa điểm nằm ở giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng như các tuyến đường cao tốc vốn được sử dụng để vận chuyển hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hành động này khiến nhiều cơ quan cứu trợ phải tạm dừng hoặc hủy bỏ kế hoạch cứu trợ, đẩy hàng triệu người dân sinh sống ở vùng chiến sự vào cảnh bơ vơ không lương thực.

Ngay cả các cơ sở y tế và bệnh viện cũng không may bị tấn công, làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc y tế cứu chữa cho những người bị thương sau các cuộc ném bom.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, ít nhất 20 cơ sở y tế trên toàn lãnh thổ Syria đã bị tấn công kể từ khi Nga triển khai chiến dịch không kích hôm 30/9.

"Cuộc khủng hoảng nhân đạo đang nảy sinh.

Nhiều người dân đang chịu cảnh thiếu thốn và không được bảo vệ", Giám đốc điều phối của cơ quan cứu trợ nhân đạo Mỹ Mercy Corps tại Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Syria, ông Rae McGrath nói.

Theo ông McGrath, kể từ khi Nga quyết định can thiệp quân sự ở Syria, cơ quan này mới chỉ chuyển được 1/5 số hàng cứu trợ so với mọi khi. 

Trong khi đó, Mercy Corps là nhà cung cấp thực phẩm cứu trợ lớn nhất tại phía bắc Syria.

"Chúng ta cũng đang phải chứng kiến số lượng dân thường thương vong tăng mạnh. Ngày càng nhiều người bị thương sau các vụ ném bom quy mô lớn.

Thật khó tưởng tượng tình hình tại Syria giờ lại tồi tệ hơn trước đây song thực tế là vậy", ông McGrath chia sẻ.

Trong những tuần gần đây, Nga đã tăng cường tấn công vào khu vực miền đông Syria do lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS kiểm soát.

Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ, các nhà cứu trợ nhân đạo và ngay cả các bản báo cáo quân sự của Nga đều nhấn mạnh đa phần các cuộc tấn công tiêu diệt IS vẫn đang được triển khai ở những tỉnh tây bắc Syria là Latakia, Aleppo và Idlib.

Đây cũng là khu vực thuộc quyền kiểm soát của hàng loạt nhóm nổi dậy như lực lượng đối lâp Syria do Mỹ hậu thuẫn cho tới chi nhánh Jabhat al-Nusra thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Syria.

Khu vực này cũng là nơi sinh sống của hàng triệu người dân bao gồm hàng trăm ngàn người đã đi sơ tán để chiến đấu ở những vùng đất khác và còn rất nhiều người đang sống cầm cự nhờ số hàng cứu trợ nhân đạo.

Theo một quan chức giấu tên của Liên Hợp Quốc hoạt động ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi Nga tăng cường không kích, thêm 260.000 người dân đã phải đi sơ tán.

Ông Nadim Houry thuộc Nhóm giám sát nhân quyền ở Syria nhấn mạnh do Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu sức ép lớn từ việc ngăn chặn dòng người tị nạn đổ xô sang châu Âu, chính phủ nước này đã hạn chế số lượng người dân Syria vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cư dân sinh sống trong vùng chiến sự không có đường thoát thân.

"Người dân di chuyển từ nơi này sang nơi khác để tìm kiếm sự an toàn nhưng họ không có nơi nào để đi", ông Houry chia sẻ.

Theo bản báo cáo của Liên Hợp Quốc, một hầm chứa lúa mì tại tỉnh Idlib, 10 cửa hàng bánh mỳ cung cấp cho khoảng 200.000 dân cùng một vài nhà máy xay xát và nhà kho chứa bột mỳ nằm trong số các mục tiêu bị tấn công kể từ ngày 24/11.

Còn tại tỉnh Aleppo do IS kiểm soát, một nhà máy xử lý nước đã bị ném bom khiến 1,4 triệu người không có nước sử dụng.


Số dân thường Syria thương vong vẫn tăng mạnh.

Số dân thường Syria thương vong vẫn tăng mạnh.

Một trung tâm nơi các đoàn xe tải tập trung chất hàng cứu trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ đi qua khu vực biên giới Bab al-Salameh được báo cáo bị tấn công 3 lần trong 5 ngày, khiến hoạt động cứu trợ cũng như vận chuyển hàng hóa buôn bán thực phẩm, nhiên liệu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác phải tạm dừng.

Thậm chí một quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh các máy bay ném bom của Nga đã phá hủy một nhà máy bột và cửa hàng bánh mỳ phục vụ 50.000 người ở thị trấn Saraqeb thuộc tỉnh Idlib hôm 27/11.

Trong số những cơ sở y tế bị tấn công kể từ khi Nga tiến hành ném bom có 12 cơ sở ở phía bắc Syria do tổ chức Bác sĩ không biên giới (DWB) hỗ trợ.

Theo ông Pablo Marco, người phụ trách chương trình hoạt động của DWB tại Syria, việc tấn công các trung tâm y tế không phải là ngẫu nhiên.

"Chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn nhưng việc bom đạn thường xuyên rơi xuống các bệnh viện hoặc khu vực xung quanh bệnh viện khiến chúng tôi nghi ngờ bệnh viện chính là mục tiêu bị tấn công", ông Marco nhận định.

Còn theo một quan chức Liên Hợp Quốc, chiến lược tấn công nhằm vào các cơ sở dân sự không còn là điều mới mẻ bởi lực lượng không quân chính phủ Syria đã nhắm bắn một cách có hệ thống vào những cửa hàng bán bánh mỳ, bệnh viện và siêu thị trong suốt 4 năm qua.

Tuy nhiên, sự can thiệp của Không quân Nga càng khiến số cơ sở dân sự bị tấn công tăng mạnh bởi các máy bay chiến đấu của Moscow được trang bị hệ thống nhắm bắn mục tiêu vô cùng chính xác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại