Đức đang chứng kiến từng thành phố của họ lần lượt thông báo rằng không còn đủ chỗ cho hàng chục nghìn người di cư đổ vào nước này, trong khi thị trưởng thành phố Munich cảnh báo rằng những người di cư đến đây sẽ sớm phải ngủ trên đường phố.
Trước tình cảnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel buộc phải tuyên bố các biện pháp kiểm soát khu vực biên giới với Áo, đi ngược lại Hiệp ước Schengen.
Mọi tuyến tàu hỏa giữa Đức và Áo đã chính thức ngừng hoạt động từ 5h00 sáng 14-9 (giờ địa phương) trong khi hàng trăm cảnh sát được Đức triển khai để kiểm soát biên giới.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, biện pháp này là nhằm hạn chế dòng người di cư đến Đức và phục hồi trật tự.
Chỉ vài giờ sau đó, cả Cộng hòa Séc cũng tuyên bố áp đặt biện pháp tương tự đối với khu vực biên giới với nước Áo.
Sự việc khiến tổ chức di cư của LHQ đưa ra cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải tránh tình trạng bất đồng về các điều luật biên giới, điều có thể khiến hàng nghìn người di cư trở thành những “tù nhân” vì vi phạm quy định.
Tuyên bố của Berlin đã cho thấy sự thay đổi chớp nhoáng trong chính sách của Chính phủ Merkel.
Chỉ cách đây một tuần, cộng đồng quốc tế còn xúc động trước hình ảnh người di cư được chào đón như những “anh hùng” ở Munich, thì giờ đây mọi chuyện lại khác hẳn, khi Berlin tuyên bố không thể một mình gánh vác cuộc khủng hoảng này thêm nữa.
Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Đức dường như đã hành động đúng pháp luật khi áp đặt kiểm soát biên giới, một hành động được phép thực hiện trong trường hợp khẩn cấp chiếu theo Hiệp ước Schengen; và cụ thể là cuộc khủng hoảng di cư đã đi đến giai đoạn khẩn cấp đối với Đức.
Cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng EU trong hôm đầu tuần chủ yếu thảo luận về một đề xuất của Chủ tịch Jean-Claude Juncker, trong đó phân bổ khoảng 160.000 người di cư đến các nước thành viên.
Cuộc họp này cũng thảo luận về kẽ hở của Hiệp ước Dublin – trong đó quy định người di cư phải xin tị nạn vào quốc gia đầu tiên mà họ đến.
Từ trước đến nay, Chính phủ các nước EU vẫn cố gắng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi phải tiếp nhận lượng lớn người, trong khi nhiều nước cáo buộc lẫn nhau cố tình không cho người di cư tị nạn để đẩy họ sang một nước khác.
Một số nước khác thì phàn nàn rằng kế hoạch chia sẻ gánh nặng nhập cư không đồng đều.
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, đã chỉ trích sự chậm trễ của châu Âu trong việc kiểm soát khủng hoảng di cư, khiến nước này không còn đủ khả năng để tiếp nhận thêm người di cư.
“Sự trì trệ của châu Âu trong cuộc khủng hoảng di cư đã đẩy nước Đức đến giới hạn của mình” - ông Gabriel nói.
Sự thay đổi nhanh chóng chính sách của Chính phủ Đức diễn ra sau khi chính quyền Munich – thành phố tiếp nhận phần lớn người di cư đến nước này – yêu cầu được hỗ trợ.
Thị trưởng Dieter Reiter nói rằng chỉ tính riêng thứ bảy tuần trước, thành phố của ông đã phải tiếp nhận đến 12.000 người di cư. Khoảng 80 người di cư đã buộc phải ngủ tại trạm xe lửa thành phố vì thiếu chỗ ở.
Trong khi đó dòng người di cư đổ đi tìm đường lên phương Bắc để đến nước Đức vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Chính quyền Áo cho hay khoảng 6.700 người di cư đã đến biên giới nước họ với Hungary trong khoảng cuối tuần trước, và dự kiến còn tăng thêm khoảng từ 6.000 – 8.000 người trong những ngày tới.
“Cú sốc Schengen” mà nước Đức gây ra có thể sẽ là tin xấu với nhiều nước châu Âu khi sắp tới họ có thể sẽ phải tiếp nhận làn sóng di cư khổng lồ.
Trong khi, Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại lên tiếng hoan nghênh động thái của Berlin như một bước đi “cần thiết” để bảo vệ giá trị của châu Âu.
Chính quyền của ông Orban, vốn có quan điểm từ chối người di cư, mới tuần trước còn đưa ra một điều luật gây tranh cãi, trong đó người di cư sẽ bị phạt tù nếu cố gắng vượt qua hàng rào dọc biên giới nước này với Serbia.