Không tham nhũng vẫn... mất chức
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) nước này hôm 6/9 đã ra "Thông báo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam về việc cựu Bí thư Thành ủy Tân Hương Lý Khánh Quý không hoàn thành trách nhiệm xây dựng và giám sát tác phong liêm chính".
Thông báo chỉ rõ, ông Lý bị cách chức và "cảnh cáo nghiêm trọng" trong đảng do không hoàn thành chức trách của mình. Tuy nhiên, ông này không bị bắt giữ.
Báo Thanh niên Trung Quốc viết, "Lý Khánh Quý là Bí thư Thành ủy đầu tiên bị kỷ luật và thông báo công khai do có nhiều thành viên trong hàng ngũ lãnh đạo mà mình phụ trách bị cáo buộc tham nhũng".
Nói cách khác, ông Lý không bị xử lý hay phát hiện hành vi tham nhũng, nhưng do nhiều quan chức trong Thành ủy và chính quyền thành phố Tân Hương tham nhũng, đồng thời liên tục bị phát giác, dẫn đến việc Lý Khánh Quý phải chịu trách nhiệm liên đới.
Trong chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của Bắc Kinh, Lý Khánh Quý là quan chức đầu tiên "mất ghế" vì sai phạm của cấp dưới. Ảnh: China.com
Việc chưa từng có trong chiến dịch "đả hổ" và nguy cơ tiềm ẩn
Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, động thái này của CCDI có thể mở ra một tiền lệ mới.
Hồi tháng 7, Văn phòng Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một bộ quy định với điều khoản "nếu trong cơ quan liên tục xuất hiện hiện tượng vi phạm kỷ luật và pháp luật trong thời gian ngắn thì cán bộ lãnh đạo phải chịu trách nhiệm".
Hình thức "chịu trách nhiệm" mà quy định trên nói tới bao gồm công khai xin lỗi, đình chỉ chức vụ để điều tra, "tự nguyện" từ chức, cưỡng chế từ chức, cách chức.
Sau trường hợp của Lý Khánh Quý, quan trường Trung Quốc được cho là sẽ lại "dậy sóng" bởi giờ đây, các quan chức lãnh đạo cấp thành phố có thể mất chức bất kỳ lúc nào ngay cả khi họ buông lỏng quản lý, để cấp dưới "làm mưa làm gió".
Mặc dù quy định mới không định nghĩa rõ thế nào là "liên tục xuất hiện việc vi phạm kỷ luật", song vụ ông Lý bị cách chức được cho là vì các cựu Phó thị trưởng Tân Hương Giả Toàn Minh, Thôi Học Dũng và cựu Bí thư Ủy ban chính pháp Tân Hương Mạnh Cương lần lượt "ngã ngựa".
Có thể đánh giá nếu một cơ quan chủ quản thuộc chính phủ Trung Quốc xuất hiện từ 3 cán bộ bị xử lý do "vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật" thì lãnh đạo đơn vị đó rất có khả năng bị truy cứu trách nhiệm.
Đa Chiều chỉ ra, vụ việc của ông Lý tưởng như đơn giản nhưng trên thực tế đã "đặt toàn bộ các Bí thư Thành ủy ở Trung Quốc vào trạng thái 'nguy cơ'", bởi khả năng xảy ra tình trạng tương tự Tân Hương ở các thành phố khác là rất lớn.
Tiền lệ của ông Lý thậm chí được giới quan sát nhận xét là "một nấc thang mới" trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, sự mạnh tay này của Bắc Kinh cũng có thể biến thành "con dao hai lưỡi". Theo Đa Chiều, ở một mức độ nào đó việc mở rộng phạm vi xử lý tệ tham nhũng sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành hiệu quả các cơ quan nhà nước Trung Quốc.
Tỷ lệ xuất hiện trên 3 quan chức tham nhũng trong một cơ quan chính phủ nào đó là tương đối cao, dẫn đến các Thị trưởng, Bí thư Thành ủy... đứng trước sức ép bị xử lý dù bản thân vẫn "trong sạch".
Đa Chiều phân tích, quy định truy cứu trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo là hợp lý, tuy nhiên Bắc Kinh cần hết sức thận trọng khi vận dụng nếu không muốn biến nó trở thành công cụ đấu tranh giữa các bè nhóm đối nghịch.
Chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của ông Tập mặc dù thu được nhiều kết quả nhưng cũng vấp phải không ít trở ngại.
Hành động "nâng tầm" lần này ngoài việc chứng minh quyền lực chắc chắn của nhà lãnh đạo Trung Quốc thì còn được dự đoán sẽ đem lại cho Tập Cận Bình nhiều chướng ngại hơn nữa và ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định xã hội nước này.