Can thiệp vào Ukraine, Putin bị các đồng minh cũ quay lưng

Các đồng minh thân cận của Nga từng thuộc Liên Xô (cũ) như Kazakhstan, Belarus... tỏ rõ sự bất thuận với quyết định của Tổng thống Putin.

Đất nước giàu dầu mỏ Kazakhstan, thành viên quan trọng nhất trong mọi liên minh khu vực mà Nga thiết lập, ngày 3.3 ra thông báo như tạt gáo nước lạnh vào Điện Kremlin: “Kazakhstan bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Ukraine. Kazakhstan kêu gọi các bên ngừng sử dụng vũ lực khi giải quyết tình hình”.

Một đồng minh khác của Nga là Belarus tuy không lên tiếng công khai như Kazakhstan, nhưng cũng đã thể hiện sự phản kháng lớn đối với Nga qua việc công nhận chính phủ mới của Ukraine.

Tương tự, thành viên mới của Liên minh Âu - Á là Armenia cũng không phản đối công khai quyết định của ông Putin, tuy nhiên đã nhanh chóng công nhận chính phủ Kiev mới. Thậm chí, cuối tuần qua, các chính trị gia nổi tiếng đã khởi xướng biểu tình ở thủ đô của Armenia để phản đối Putin. “Chúng tôi không chống lại nước Nga. Chúng tôi chống lại chính sách đế quốc của Putin và Điện Kremlin”.

Điều khiến Kazakhstan lo lắng nhất chính là thông báo của Điện Kremlin ngày 2.3 về nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng thống Vladimir Putin.

“Tổng thống Putin đã lưu ý rằng trong bất kỳ trường hợp bạo lực nào ảnh hưởng đến những người gốc Nga ở đông Ukraine và Crimea thì Nga sẽ không thể đứng ngoài. Nga sẽ sử dụng bất kể biện pháp nào tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Tuyên bố này đặt ra tiền lệ đầy lo ngại đối với mọi hàng xóm của Nga.

Đối với mỗi quốc gia từng thuộc Liên Xô, từ Trung Á cho đến vùng Baltics, đều có một tỉ lệ dân số gốc Nga lớn. Do vậy, phát ngôn của ông Putin có nghĩa là Nga tự cho quyền xâm lược các nước nếu cảm thấy nhóm dân này bị đe dọa.

Phản ứng tự nhiên của bất kỳ đồng minh nào của Nga trong khu vực là tìm kiếm sự bảo đảm an ninh để không trở thành một Ukraine kế tiếp.

Như vậy, đối với những quốc gia Đông Âu và vùng Caucasus sẽ càng muốn thiết lập liên minh gần gũi hơn với Liên minh châu Âu. Đối với các quốc gia Trung Á thì họ sẽ xích lại tăng cường quan hệ với Trung Quốc – gồm cả quan hệ quân sự.

Ngay cả Trung Quốc, đối tác cùng tiến với Nga trong mọi vấn đề an ninh toàn cầu – từ Syria đến Iran – cũng ra tuyên bố thận trọng về quyết định của ông Putin rằng: “Quan điểm của Trung Quốc từ xưa đến nay là không can thiệp và tình hình nội bộ của nước khác. Chúng tôi tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” - cựu Bộ trưởng An ninh David Shakhnazaryan nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại