Các phe phái trong chính phủ Ukraine đang đấu đá nhau như thế nào?

Anh Tuấn |

Đối với người dân Ukraine, đó là một vòng quay luẩn quẩn. Một cuộc “khởi nghĩa” nổ ra, người dân vỗ tay vui mừng. Sau đó, một lớp chính trị gia mới lên nắm quyền và khiến tình hình tồi tệ hơn.

Lễ kỷ niệm hai năm ngày khởi nghĩa ở Ukraine nổ ra được tổ chức vào thời điểm một cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, hai người đứng đầu cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, đang xảy ra bất hòa.

Ông Yatsenyuk đang đấu tranh để giữ chức của mình, còn ông Poroshenko thì kiên quyết thay thế Thủ tướng mới.

Với những người còn nhớ Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2004, mọi thứ dường như đang lặp lại. Cuộc biểu tình nổ ra khi Tổng thống Ukraine thời đó là ông Viktor Yushchenko và Thủ tướng Yulia Tymoshenko còn đang đối đầu lẫn nhau thay vì tìm cách cải tổ đất nước.

Nhờ đó, ông Yanukovych nổi lên và nhậm chức Tổng thống, từ đó bắt đầu khoảng thời gian Kiev hợp tác với Nga lâu dài.

Cuộc khởi nghĩa năm 2014 đáng lẽ sẽ mang đến sự khác biệt. Lần này, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến nhiều người đấu tranh nhằm thay đổi đất nước phải thiệt mạng. Tình thế trở nên mong manh hơn bất kỳ lúc nào.

Thế nhưng, chính phủ liên hợp đứng đầu bởi khối Petro Poroshenko và đảng Mặt trận Nhân dân của ông Yatsenyuk đã sụp đổ, trong khi đó các đảng nhỏ còn lại đã tách ra khỏi chính phủ sau khi không thể buộc ông Yatsenyuk từ chức.

Trên thực tế, cuộc cải cách mà họ đã hứa thực hiện hầu như đang bị bỏ ngỏ.

Các tài phiệt giàu có ở Ukraine vẫn giữ nguyên tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế và chính trị ở quốc gia này. Nền kinh tế vẫn tiếp tục chững lại.

Cuộc xung đột với lực lượng nổi dậy thân Nga ở khu vực Donetsk và Lugansk vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Trong khi đó, người dân Ukraine thì đang hoang mang, không biết phải làm sao để đất nước đi sang một hướng khác tích cực hơn.

Một trong những biện pháp nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị hiện tại đó là bầu cử quốc hội lần nữa, nhưng với sự xuất hiện của những thế lực được dân bầu mới, cả ông Yatsenyuk (hiện đang có tỉ lệ ủng hộ xuống rất thấp) hay ông Poroshenko đều không muốn điều đó xảy ra, bởi như vậy họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều đối thủ chính trị mới. Và vì vậy, hai người đã tranh cãi nhau về việc liệu ông Yatsenyuk sẽ phải từ chức hay không, và ai sẽ thay thế ông.

Đã có lúc, chính phủ liên hợp của Ukraine sẽ được cho là mang lại tương lai mới cho quốc gia này.
Đã có lúc, chính phủ liên hợp của Ukraine sẽ được cho là mang lại tương lai mới cho quốc gia này.

Đã có những lời đồn rằng ông Poroshenko, người thuộc đảng có nhiều ghế nhất trong Quốc hội Ukraine, đang sẵn sàng ủng hộ một chính phủ mới với Bộ trưởng Bộ Tài chính Natalie Jaresko làm Thủ tướng.

Tuy nhiên mặc dù bà Jaresko, một nhà kinh tế học sinh ra tại Mỹ và là người đã thành công trong việc mang về gói cứu trợ kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho Ukraine, sẽ được nhiều nước phương Tây đứng về phía mình, bà lại không có được sự ủng hộ từ Quốc hội cũng như dân chúng.

Đến giữa tuần, ông Poroshenko lại đưa ra những ứng cử viên Thủ tướng mới, trong đó có Thị trưởng thành phố Lviv Andriy Sadovyi, và Volodymyr Groysman, Chủ tịch Quốc hội Ukraine và là thân tín của ông Poroshenko, trong khi ông Yatsenyuk đang cố gắng sống sót trong môi trường chính trị này.

Mới đây Thủ tướng Ukraine đã có một bài xã luận đăng trên báo Kyiv Post với nội dung chỉ trích những đối thủ của mình “đâm lén sau lưng” và đang “thực hiện một cuộc đua tranh giành quyền lực”.

Đảng Mặt trận Nhân dân của ông Yatsenyuk đang có số ghế nhiều thứ hai trong Quốc hội Ukraine và một số thông tin cho rằng ông Yatsenyuk đã đồng ý từ chức chỉ khi được phép nêu ra người sẽ thay thế ông và chấp thuận kế hoạch của chính phủ mới.

“Tình hình khủng hoảng chính trị hiện tại vẫn sẽ chưa có giải pháp cụ thể nào”, ông Taras Berezovets, một cố vấn chính trị người Ukraine cho biết.

“Nguyên nhân của nó không phải là vì ông Yatsenyuk không có năng lực, mà vấn đề là đây là môt chính phủ liên hiệp mà trong đó có quá nhiều bên tham gia và họ đều có những lợi ích riêng.

Đây là sự mất đoàn kết, thiếu niềm tin giữa các đảng phái với nhau. Họ không phối hợp một cách ăn ý”.

Nhiều chính trị gia đã tập hợp tại quảng trường Maidan sau khi chính quyền Tổng thống Yanukovych sụp đổ. Đứng bên cạnh bà Yulia Tymoshenko (người phát biểu) có ông Yatsenyuk ()thứ hai bên trái và ông Poroshenko (thứ hai bên phải).
Nhiều chính trị gia đã tập hợp tại quảng trường Maidan sau khi chính quyền Tổng thống Yanukovych sụp đổ. Đứng bên cạnh bà Yulia Tymoshenko (người phát biểu) có ông Yatsenyuk ()thứ hai bên trái và ông Poroshenko (thứ hai bên phải).

Ông Berezovets cho biết, một cuộc bầu cử sớm sẽ là “cơn ác mộng” đối với Ukraine, bởi điều đó sẽ dẫn đến các thế lực cực hữu giành được ghế trong quốc hội và khiến Khối Petro Poroshenko và Đảng Mặt trận Nhân dân thất thế.

Theo một khảo sát được công bố ngày 16/3, đảng Tổ quốc của bà Tymoshenko giờ đây là đảng có tỉ lệ tín nhiệm cao nhất trên toàn quốc với 20,5% người ủng hộ.

Xếp sau là Khối Đối lập với 12,1%, tiếp đó là Đảng Cấp tiến với 11,6%. Khối Petro Poroshenko đứng thứ năm với 10,9% còn Đảng Mặt trận Nhân dân chỉ được vỏn vẹn 2,5%.

Trong khi đó, ông Dan Bilak, một luật sư đã tham gia cố vấn pháp lý cho một số chính quyền Ukraine trước đây cho biết khủng hoảng chính trị hiện tại là minh chứng cho thấy Ukraine chưa thoát khỏi giai đoạn quá độ sau đảo chính.

“Ukraine vẫn đang trong quá trình chuyển giao. Mọi người đều cho rằng khi Yanukovych bị lật đổ, mọi chuyện sẽ tươi sáng hơn.

Nhưng thực tế không phải như vậy”, ông Bilak nói. “Tình hình thực ra đang diễn tiến một cách hợp lý. Có thể mọi chuyện đang diễn ra lộn xộn, nhưng chúng ta vẫn đang tìm cách loại bỏ một hệ thống quản lý nhà nước không hiệu quả thời hậu Liên Xô”.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại