Bữa cơm cho "kẻ thù" và hồi ức rưng rưng về VN của một nhà báo Mỹ

Đức Huy |

Thấy tấm vé máy bay trên tay David Lamb, bartender ở Thái Lan hỏi: "Ông đi đâu thế?" - "Tôi về nhà," ông trả lời. "Mỹ?" - "Không. Hà Nội."

"Nếu được chọn, có lẽ giờ này tôi vẫn đang sống ở Việt Nam."

Đó là tâm sự của nhà báo Mỹ kì cựu David Lamb trong cuộc trò chuyện mới đây với chúng tôi.

Trong số các nhà báo Mỹ từng tác nghiệp tại Việt Nam, ông là một trường hợp vô cùng đặc biệt.

Bởi David Lamb đã có 6 năm gắn bó với dải đất hình chữ S, trong đó có 2 năm ở miền nam Việt Nam với tư cách là một phóng viên chiến trường (1968-1970) và 4 năm thời bình tại thủ đô Hà Nội (1997-2001).

"Chưa đầy một tuần ở Hà Nội, đã có người Việt mời tôi đến nhà ăn cơm"

Tháng 8/1997, được sự ủy nhiệm của tờ Los Angeles Times, nhà báo David Lamb cùng vợ là đạo diễn phim tài liệu Sandy Northrop đặt chân đến Hà Nội, mở văn phòng đại diện đầu tiên của tòa báo này tại Việt Nam sau chiến tranh. 

"Tôi đã rất háo hức với chuyến công tác này. Nhưng thực sự tôi cũng không biết phải chuẩn bị tinh thần như thế nào nữa. Hà Nội thời bình khi đó vẫn còn là một ẩn số", David nhớ lại.

"Sandy làm phim tài liệu nên phấn khích thì đã đành, thêm nữa trước đây cô ấy cũng từng tham gia biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Hào hứng là vậy nhưng cả hai đều có phần lo lắng, không biết điều gì đang chờ đợi chúng tôi ở Hà Nội."

David Lamb tại chiến trường Đà Nẵng năm 1968 (ảnh do nhân vật cung cấp)

David Lamb tại Đà Nẵng năm 1968 (ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng Hà Nội bấy giờ chỉ cần đúng 3 ngày để xóa bỏ mọi nỗi lo toan trong lòng hai vợ chồng nhà báo, và khiến họ cảm thấy "như ở nhà".

Yếu tố quan trọng nhất giúp hai vợ chồng ông thích nghi nhanh  đến vậy với cuộc sống tại căn nhà ven hồ Trúc Bạch không đến từ kinh nghiệm thời chiến, không đến từ hỗ trợ của đại sứ quán Mỹ, không đến từ những thông tin về Việt Nam trong các cẩm nang du lịch. 

Mà theo David, nó đến từ chính những con người Việt Nam nơi đây. 

Khi làm bài phóng sự đầu tiên tại Việt Nam, David được giới thiệu với gia đình một giảng viên đại học, người có hai con trai đã hi sinh trong chiến tranh Việt Nam. Ông đã chuẩn bị tâm lý cho cuộc gặp mặt mà mình sẽ phải đóng vai "kẻ thù" này.

Nhưng nó đã diễn ra trái hẳn với sự căng thẳng mà ông định hình sẵn. 

"Họ coi tôi như một người bạn, kể cả khi "người bạn" đó đến từ chính đất nước đã cướp đi sinh mạng người thân trong gia đình họ."    

Ngoài sự đón tiếp nồng hậu, ông còn được gia đình vị giáo sư này mời cơm. 

"Suốt 4 năm công tác tại Cairo (Ai Cập), tôi chỉ được mời đến dùng bữa đúng một lần, và đó cũng là khi tôi đã gần hết nhiệm kì. Nay chỉ chưa đầy một tuần ở Hà Nội, đã có người Việt mời tôi đến nhà ăn cơm", ông nhớ lại.  

Trong một lần đi taxi, khi được biết David là người Mỹ, người tài xế đã không ngần ngại chia sẻ với ông rằng anh từng là bộ đội thời chống Mỹ. 

"Tại sao anh không ghét tôi?" - David hỏi lại.

Người tài xế im lặng một hồi lâu, sau đó đỗ xe vào lề đường, và quay sang David:

"So với cả nghìn năm chống đô hộ phương Bắc, hơn một trăm năm chống thực dân Pháp, thời gian đánh Mỹ các anh chẳng nhằm nhò gì cả. Các anh chỉ là một trang nhỏ trong kho tàng lịch sử hào hùng của chúng tôi," anh nói xong và đi tiếp.      

Những trải nghiệm này đã giúp vị nhà báo Mỹ sớm nhận ra rằng, dù những vết tích vẫn còn đó, nhưng nỗi buồn chiến tranh đã đi qua. 

Khói lửa của hơn 20 năm trước đã được thay thế bằng hình ảnh đẹp của những người con Hà thành. Thủ đô Hà Nội trong tâm trí David không còn là "sào huyệt của đối phương", và cũng không chỉ là địa điểm của văn phòng đại diện Los Angeles Times nữa.  

Ông đã xem nơi đây như nhà của mình. 

Và đương nhiên, xa nhà thì sẽ buồn... 

Bó hoa và album ảnh của anh xích lô

Hợp đồng của David tại văn phòng đại diện Hà Nội ban đầu chỉ kéo dài 2 năm, nhưng hai vợ chồng ông quyết định kéo dài thêm đến năm thứ ba, rồi năm thứ tư.

Nhưng đến cuối năm thứ tư, tòa soạn đã từ chối ý định kéo dài thêm đến năm thứ năm của David.

Nhà báo David Lamb tại Hà Nội thời bình (ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhà báo David Lamb tại Hà Nội thời bình (ảnh do nhân vật cung cấp)

Đối với một nhà báo đã từng có ba thập kỉ "chinh chiến" tại 120 quốc gia, cuộc sống nay đây mai đó đã trở thành một điều mặc định mà David Lamb phải chấp nhận như một phần công việc.

Nhưng nếu như rời chiến trường miền nam Việt Nam năm 1970 với ông như "trút bỏ được một gánh nặng", thì xa Hà Nội lần này lại là một lời từ biệt không hề mong đợi.

"Tôi không thể ngờ rằng làm quen trở lại với cuộc sống của một người Mỹ còn khó hơn cả việc thích nghi với Việt Nam", ông ngậm ngùi nhớ lại.

Suốt một tháng kể từ ngày biết quyết định sẽ kết thúc nhiệm kì công tác, David và Sandy đã đón tiếp không dưới một trăm người Việt Nam đến chào tạm biệt.

Nhưng có một người mà vợ chồng ông chờ mãi vẫn không thấy đến, kể cả khi văn phòng đã chính thức được bàn giao. 

Phải đến khi hai người đã chuyển đến khách sạn Metropole và chỉ còn vài ngày trước khi ra sân bay lên đường trở về Mỹ, nhân vật này mới xuất hiện.

Xuất hiện với một bó hoa cùng album ảnh của gia đình mình, người lái xích lô đã gắn bó với hai vợ chồng David suốt 4 năm nhiệm kì của ông đã không giấu nổi xúc động khi phải nói lời chia tay.

Dù không hề được thông báo trước, nhưng bác xích lô đã chủ động đi tìm thông tin về vợ chồng David sau một tháng không thấy "khách quen" xuất hiện. 

"Chưa có ở đâu, trong hơn 30 năm và 120 đất nước đã từng công tác, mà tôi được đón nhận nhiều tình cảm từ con người nơi đó như ở Việt Nam", David chia sẻ. 

Sandy Northrop (trái) trong một lần quay phim tại vùng cao (ảnh do nhân vật cung cấp)

Sandy Northrop (trái) trong một lần quay phim tài liệu ở vùng cao (ảnh do nhân vật cung cấp)

Một kỉ niệm khác mà David cũng không thể quên xảy ra khoảng một tháng trước khi vợ chồng ông chính thức bàn giao văn phòng đại diện để trở về Mỹ.

Như mọi ngày Chủ nhật hàng tuần, vợ chồng ông đang chơi tennis tại câu lạc bộ thể thao Hà Nội. Nghe thấy bên ngoài có tiếng trống, tiếng nhạc ồn ào cả một khu phố, hai người tò mò chạy ra nhìn qua rào chắn.

Một đám tang đang diễu qua trước mắt hai vợ chồng nhà báo.

Bỗng dưng Sandy bật khóc.

"Sao vậy em?"

"Về Mỹ rồi, làm sao chúng ta được thấy những hình ảnh như thế này nữa..."

David Lamb sinh năm 1940 tại thành phố Boston, bang Massachusetts. Năm 1968, ông được United Press International bổ nhiệm làm phóng viên tại chiến trường miền nam Việt Nam.

Năm 1997, ông trở lại với tư cách trưởng văn phòng đại diện của tòa báo Los Angeles Times. Sau khi kết thúc nhiệm kì năm 2001, đều đặn mỗi năm một lần, David vẫn đến thăm Việt Nam, nơi ông đã coi là quê hương thứ hai của mình.

Ông là tác giả cuốn sách Vietnam, Now: A Reporter Returns (tạm dịch: Việt Nam, Ngày nay: Một Phóng viên Trở về).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại