Biển Đông: Trung Quốc tập trung tàu chiến, “ngoảnh mặt” với đàm phán đa phương

Chí Quân (TH) |

(Soha.vn) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, đưa tranh chấp Biển Đông vào những diễn đàn đa phương sẽ không có ích gì.

Học giả Nga: Trung Quốc có thể “thọc gậy bánh xe” ASEAN

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ngày 02/07/2013 tại Brunei, với sự tham gia của ngoại trưởng 10 nước ASEAN và các đối tác như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., một trong hai vấn đề chính được đưa ra thảo luận là Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết tại ARF, toàn bộ các ngoại trưởng đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của đàm phán tránh để xảy ra xung đột trên Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh cần thiết phải coi COC phải là một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý và bổ sung quy định bên thứ ba - trọng tài trong tranh chấp hàng hải theo UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982).


	Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario tại ARF

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario tại ARF

Về cơ bản, tiến trình đến COC đã đạt được một số tiến bộ tích cực khi Trung Quốc tuyên bố đồng ý bắt đầu thảo luận về bộ quy tắc này. Nhưng một quan chức cao cấp giấu tên của Mỹ cho rằng đây thật ra chỉ là cách để Bắc Kinh tránh bị chỉ trích. Nhiều chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á như Dmitry Mosyak (Viện hàn lâm khoa học Nga) cũng cho rằng tiến trình thảo luận về COC có thể kéo dài, và Trung Quốc sẽ làm mọi cách để chia rẽ sự thống nhất của ASEAN, dẫn đến việc trì hoãn vô thời hạn COC, và hơn thế, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng trong nội bộ khối. ASEAN khi đó có nguy cơ đánh mất tính trung lập và trở thành “chiến trường” cho các nước lớn. Trên thực tế, Trung Quốc đã từng chứng tỏ được khả năng “thọc gậy bánh xe” của mình khi gây ảnh hưởng đến Campuchia khiến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 năm 2012 không ra được tuyên bố chung.

Trung Quốc lại đòi chủ quyền, “ngoảnh mặt” với đàm phán đa phương

Sự lo ngại của giới quan sát không phải vô căn cứ. Ngày 2/7, trong phiên họp hẹp tại Diễn đàn ARF, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp tục duy trì luận điệu Trung Quốc có “bằng chứng lịch sử và pháp lý” đối với vấn đề chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là tại khu vực Scarborough hiện đang tranh chấp với Philippines và Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


	Tàu khu trục tên lửa Nhạc Dương 575 của Trung Quốc  được điều đến Biển Đông

Tàu khu trục tên lửa Nhạc Dương 575 của Trung Quốc  được điều đến Biển Đông

Mặc dù đã trấn an những người đồng cấp trong khu vực rằng, “Biển Đông nói chung là ổn định và không có vấn đề với tự do hàng hải.” và tuyên bố sẽ tham vấn ASEAN về COC, nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ lập trường đàm phán song phương. Ông Vương Nghị còn cho rằng, đưa tranh chấp Biển Đông vào những diễn đàn đa phương sẽ không có ích gì, đặc biệt là những quốc gia bên ngoài đừng nên can thiệp sâu vào khu vực này.

Trong khi đó, một báo cáo mới được Trung Quốc công bố cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, nước này đã biên chế 8 tàu chiến mới cho Hải quân, trong đó phần lớn là cho Hạm đội Nam Hải, lực lượng phụ trách tác chiến ở Biển Đông. Như vậy, rõ ràng, tình hình khu vực này chưa thể diễn biến “xuôi chiều mát mái” như dư luận kỳ vọng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại