Năm nay, Diễn đàn an ninh ASEAN sẽ có sự tham gia lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tiếp bước sự thành công trước đây của bà Hillary Clinton, chứng tỏ sự quan tâm mạnh mẽ của Mỹ đối với tình hình an ninh khu vực.
Thế nhưng, các nhà phân tích chính trị đã cảnh báo rằng không nên mong đợi bất kỳ sự thay đổi nhanh chóng nào ở một trong những tâm điểm nóng nhất thế giới hiện nay. Hay nói cách khác, sẽ chưa thể xác định được ai sở hữu cái gì ở Biển Đông vào lúc này.
Biển Đông - điểm nóng thế giới hiện nay
Về mặt ngoại giao, một số căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác có yêu sách ở vùng biển đầy tiềm năng năng lượng này đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong tháng Năm đã ghi một dấu ấn khi tỏ thái độ sẵn sàng thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác nhau trong khu vực.
Trong chuyến thăm gần đây tới Trung Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cũng đã đồng ý thiết lập đường dây điện thoại nóng với Bắc Kinh để dập tắt các xung đột trong khai thác thủy sản giữa tàu cá hai bên.
Nhưng sâu xa hơn và thực tế hơn, Trung Quốc đang tạo ra rất nhiều khó khăn nhằm cố tình trì hoãn càng lâu càng tốt bất kỳ cuộc thảo luận có ý nghĩa nào về Biển Đông. Khi thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với 10 nước thành viên ASEAN, ông Vương Nghị đã khơi gợi lại ý tưởng thiết lập một nhóm chuyên gia phụ trách vấn đề. Nhóm này sẽ tập hợp những người nổi tiếng của các bên để thảo luận về Bộ quy tắc trước khi quyết định thông qua nó.
Đây hoàn toàn là một ý tưởng có vấn đề. Nhóm chuyên gia này có thể sẽ bị sa lầy trong mọi loại vấn đề phức tạp, đặc biệt là về việc ai sẽ là đại diện điều hành nhóm. “Đó là lý do tại sao Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đưa ra đề nghị nhóm các nhân vật kiệt xuất”, Ian Storey – chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định, “Nhóm này chỉ là một cơ chế để làm chậm mọi quá trình khác mà thôi”.
Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc và một người quan sát chặt chẽ các động thái tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng ý định của nước này là cố tạo ra đủ thời gian để phát huy đủ ảnh hưởng tới khối ASEAN hơn, thuyết phục Philippines rút đơn kiện chống lại Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc.
Manila trong tháng Giêng đã đệ đơn lên Tòa án về Luật biển Quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm mục đích chống lại cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, trong đó có Philippines.
Trung Quốc đã từ chối tham gia phiên tòa này, tuyên bố các chủ quyền đối với vùng biển này là “không thể tranh cãi”. Đồng thời, Bắc Kinh đang đẩy mạnh các cuộc tuần tra quân sự và bán quân sự ở Biển Đông, và đã ngăn chặn được Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough, một rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đồng thời liên tục kiểm soát hàng chục năm qua.
Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài “đàm phán song phương để giải quyết vấn đề tranh chấp”, nhưng lại liên tiếp sử dụng các tàu chiến hoặc tàu có trang bị vũ trang để gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Thậm chí, vào ngày 27/6, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc còn dám tuyên bố sẽ phản ứng với bất kỳ quốc gia nào dám khiêu khích quân sự với nước này trên Biển Đông, đặc biệt là tại bãi Cỏ Mây. Đây là phản ứng được đưa ra khi Philippines vào tuần trước đó đã gửi binh lính và tàu chiến tới nằm vùng tại bãi Cỏ Mây, nơi họ vẫn cố thủ trên một con tàu đắm 14 năm qua.
Trung Quốc cũng đưa lời cảnh báo tới “bên thứ ba” – ám chỉ Mỹ - rằng những nỗ lực của họ để gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực Biển Đông sẽ là vô ích, như lời ông Vương Nghị đã tuyên bố trong tuần trước.
Hôm thứ Năm (27/6), Mỹ và Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận hải quân chung gần bãi cạn Scarborough. Philippines cũng tỏ ra “dễ dãi” hơn với Mỹ khi sẵn sàng cho phép quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại các căn cứ quân sự của mình. Sự cho phép của Philippines nằm trong một phần kế hoạch của Washington trong việc tái cân bằng sức mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với những sự kiện đem lại tầm nhìn rằng rất ít có khả năng để có thể giải quyết được tranh chấp Biển Đông ngay trong Diễn đàn an ninh Đông Nam Á tới đây. Chủ đề quan tâm nhất hiện nay trong diễn đàn có lẽ sẽ là liệu ông Kerry có thể tham gia vào các vấn đề an ninh hàng hải giống như người tiền nhiệm của mình, bà Clinton hay không. Trong nhiệm kỳ ngoại trưởng trước đó, bà Hillary Clinton đã thành công trong việc nhấn mạnh sự quan tâm của Mỹ trong việc thúc đẩy một giải pháp đa quốc gia cho vấn đề này.