Biển Đông không còn là miếng bánh ngọt ngào với Trung Quốc

Con đường thực hiện ước mơ biến biển Đông thành "ao nhà" của Trung Quốc không còn ngọt ngào như trước khi các nước vốn không có lợi ích trực tiếp ở biển Đông cũng lên tiếng không thỏa hiệp cùng Trung Quốc.

Một năm qua, dư luận thế giới chứng kiến hình ảnh Trung Quốc ngang ngược trên biển Đông để thực hiện khát vọng quốc hữu hóa 80% diện tích biển Đông thành ao nhà. Từ những hành động thành lập thành phố Tam Sa, chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc liên tục quấy rối trên vùng biển tranh chấp với Việt Nam và Philippines, Trung Quốc cho mình quyền tự xử trên các vùng biển mà nước này nhận phần.

Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, các bên liên quan cũng chẳng hiền lành để Trung Quốc bắt nạt mãi. Cuối tháng 1/2013, Philippines đã quyết định gửi đơn kiện "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp Quốc. Tỏ ra không sợ bị kiện, Trung Quốc liên tục thực hiện hành động "cả vú lấp miệng em" như phái tàu hải giám lượn lờ quanh khu vực tranh chấp, dùng tàu khu trục xua đuổi tàu cá các nước khác, khai thác dầu khí trên vùng biển tranh chấp. Trung Quốc cho rằng biển Đông là miếng bánh ngon dễ nuốt.

Một tuần qua, phiên tòa xét xử "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đang diễn ra cũng là lúc Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trên biển Đông. Các nước như Mỹ, Ấn Độ từ chối ủng hộ Trung Quốc đã đành nhưng khi Trung Quốc quay sang các nước vốn không có tranh chấp và lợi ích trực tiếp ở biển Đông cũng không ủng hộ Trung Quốc.

Trong cuộc gặp trực tiếp với ông Phạm Trường Long – Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã nhấn mạnh quan điểm của Bangkok là ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp tướng Phạm Trường Long
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp tướng Phạm Trường Long

Bà Yingluck đã nói về vấn đề Biển Đông với Tướng Phạm với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan. Đáp lại lời nhắc nhở khéo léo của nữ Thủ tướng Thái Lan, Tướng Trung Quốc cho biết, ông hy vọng sẽ thúc đẩy và làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng và hợp tác giữa lực lượng vũ trang Trung Quốc và Thái Lan.

Trước đó, hồi tháng 9 năm ngoái, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra từng bày tỏ mong muốn được đứng ra giải quyết các cuộc tranh chấp biển đảo giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

Bà Yingluck cho biết, với tư cách là một nước không có tranh chấp ở Biển Đông và có quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên liên quan, Thái Lan muốn giúp giải quyết những cuộc tranh chấp này. Trong khi nhấn mạnh bà không đánh giá thấp thách thức trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck tự tin cho biết: “Có thể, tôi sẽ mang được một chút kỹ năng đặc biệt của phái nữ vào việc giải quyết cuộc tranh chấp này”.

Luôn coi Trung Quốc là người "anh" nhưng Singapore cũng thực lòng không muốn Trung Quốc đánh đổi tất cả để giành lấy vùng biển tranh chấp. Vào tháng 5/2013 trong bài phát biểu tại diễn đàn quốc tế mang tên “Tương lai châu Á” do Nhật báo Sankei tổ chức, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho biết việc xử lý tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á ở biển Đông sẽ ảnh hưởng tới cách nhìn của thế giới bên ngoài đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông kêu gọi Trung Quốc nên kiềm chế trong các tranh chấp lãnh thổ.

Ngay cả Indonesia vốn không có tranh chấp với Trung Quốc cũng lên tiếng không ủng hộ nước này làm bá chủ trên biển Đông. Trong một bài phỏng vấn trên Reuters hồi tháng 4/2013, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc “coi thường” các cam kết “kiềm chế tối đa” đã thỏa thuận trong Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC).

Cho đến thời điểm này, một mặt Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ thua kiện với Philippines, mặt khác con đường cho Trung Quốc vào biển Đông đang hẹp dần. Đây là hệ quả tất yếu cho những hành động hung hăng của Trung Quốc thời gian qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại