Tiếp nối chiến lược bịa đặt và vu cáo Việt Nam trên trường quốc tế, mới đây Zhao Qinghai (Triệu Thanh Hải), Giám đốc Trung tâm An ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, đã gửi bài viết tới báo The Australian của Australia cho rằng Việt Nam không có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó cũng trên báo này, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Ma Zhaoxu (Mã Triều Húc) cũng viết bài với luận điệu tương tự.
Lập tức giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã gửi thư tới báo The Australian bác bỏ luận điệu xuyên tạc trên. Giáo sư Thayer cho rằng không thể coi ông Zhao là một học giả bởi ông này chỉ xào lại quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Giáo sư Thayer cho biết công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 không hề đề cập đến Hoàng Sa hay Trường Sa. Giáo sư Thayer cũng bác bỏ những thông tin sai trái trong bài viết của đại sứ Ma Zhaoxu.
“Trung Quốc nên rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển này. Trung Quốc cũng nên phản hồi một cách tích cực việc Việt Nam đề nghị đàm phán”, giáo sư Thayer kêu gọi.
* Chuyên gia về Biển Đông hàng đầu của Philippines, Richard Heydarian, giáo sư Đại học Ateneo De Manila, cho rằng Việt Nam là nạn nhân của chính sách lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc và nhóm diều hâu trong ban lãnh đạo Trung Quốc đang chi phối chính sách này.
Chuyên gia Heydarian nói: Tôi cho rằng quyết định của Việt Nam tiếp tục công bố sự việc, là hợp lý, bởi nó cho cả thế giới thấy rõ hơn về căng thẳng nguy hiểm trên Biển Đông do quyết định đơn phương của Trung Quốc gây ra, khi triển khai một giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và làm thay đổi hiện trạng trên thực địa qua những biện pháp cưỡng bức ngày càng rõ hơn.
Khi Việt Nam chuẩn bị cáo buộc pháp lý đối với Trung Quốc, điều quan trọng là phải tổng hợp được càng nhiều video và bằng chứng càng tốt để chứng tỏ Việt Nam là nạn nhân của chính sách hiếu chiến của Trung Quốc. Quan trọng hơn, Việt Nam nên có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi, tập trung hơn nữa, để cho cả thế giới thấy được Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam hay các nước tuyên bố chủ quyền khác, đang làm leo thang căng thẳng và có thể là gây ra một cuộc đối đầu quân sự trên Biển Đông.
Việt Nam nên sát cánh hơn nữa cùng các nước ASEAN khác, để nêu bật nguy cơ nếu không có sự tham gia của khu vực và nếu không có hoạt động trung gian tích cực, tình hình hiện nay có thể xấu đi thành đối đầu quân sự nguy hiểm, từ đó ảnh hưởng đến toàn khu vực.
Việt Nam cũng nên ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với vụ kiện “đường lưỡi bò” Trung Quốc của Philippines. Mục đích ở đây là để chứng tỏ Bắc Kinh không thể tiếp tục những gì đang làm mà không bị trả giá bằng cả luật pháp và ngoại giao.
Có vẻ như bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua, thái độ và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng hiếu chiến hơn. Đã có lo ngại nghiêm trọng trong khu vực rằng Trung Quốc có thể kéo giàn khoan xa hơn về phía nam, xuống Trường Sa hoặc có thể sẽ sớm áp đặt Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Philippines gần đây đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của các tàu cùng hoạt động bồi đắp đất của Trung Quốc trên một số bãi ngầm, như Gạc Ma hay Bãi Chữ Thập, để biến chúng thành đảo nhân tạo nhằm phục vụ cho mục đích quân sự.
Rất mừng là Philippines và Việt Nam đã xích lại gần nhau hơn trước những hành động của Trung Quốc. Bằng cách này, hai nước có cùng quan điểm có thể tiến lên thành đối tác trong ASEAN và khu vực. Rõ ràng hai nước nên tiến tới quan hệ đối tác, xem xét diễn tập chung giữa các lực lượng trên biển của hai nước, tăng cường thêm chia sẻ thông tin về những diễn tiến trên Biển Đông, và phối hợp về quan điểm ngoại giao cũng như pháp lý.
Với ASEAN, đã đến lúc phải từ bỏ quan điểm trung lập. Tình hình Biển Đông rõ ràng là rất đáng báo động và các thành viên chủ chốt của ASEAN, từ Philippines, Việt Nam tới Malaysia và Indonesia, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi những diễn biến mới hiện nay.
Điều ASEAN có thể làm là xúc tiến đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý (COC), đảm bảo sự tuân thủ của Trung Quốc và các thành viên ASEAN đối với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002.
Những hành động gần đây của Trung Quốc, từ triển khai giàn khoan vào EEZ của Việt Nam và công khai thừa nhận đang xây dựng các cấu trúc trên Gạc Ma và một đảo khác trong quần đảo Trường Sa, là vi phạm rõ ràng đối với DOC. ASEAN không thể im lặng về vấn đề này. ASEAN cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa và gia tăng áp lực với Trung Quốc để nước này nhất trí đối với một cơ chế giảm leo thang ở Biển Đông và đàm phán COC.
Chúng ta không nên ngạc nhiên trước quyết định của Trung Quốc không cho phép các công ty nhà nước tham gia đấu thầu các dự án mới ở Việt Nam. Là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, Trung Quốc rõ ràng là muốn gây tổn hại cho Việt Nam và cũng muốn gửi thông điệp tới các nước ASEAN khác, đặc biệt là Philippines, rằng họ sẽ không ngần ngại xem xét những trừng phạt quy mô về kinh tế. Nhưng sự thật là, Trung Quốc cũng cần Việt Nam trong vấn đề kinh tế và thương mại. Việt Nam đã trở thành điểm đến mong muốn của nhiều công ty Trung Quốc, hiện đang phải đối mặt với chi phí tăng cao và bất ổn về lao động trong nước. Và các nhóm doanh nghiệp sẽ tìm cách vận động để các trừng phạt kinh tế chỉ có tác động giới hạn.