Bí mật về ‘chiến tranh kinh tế’ của Trung Quốc

Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO và từ đó quốc gia này đã có đầy đủ điều kiện để thực hiện chiến lược chiến tranh kinh tế của mình. Chủ nghĩa bảo hộ với sự định giá thấp đồng nhân dân tệ (NDT) đã mang lại cho Trung Quốc một lợi thế đáng kể trong buôn bán quốc tế và thặng dư thương mại khổng lồ.

Bí mật về ‘chiến tranh kinh tế’ của Trung Quốc
Chủ nghĩa bảo hộ với sự định giá thấp đồng NDT đã mang lại cho Trung Quốc một lợi thế đáng kể trong buôn bán quốc tế và thặng dư thương mại khổng lồ.

Theo tờ Al-Alam As-Siasyia (Chính trị thế giới) xuất bản ở Trung Đông, cũng kể từ năm 2001, thâm hụt thương mại trong buôn bán với Trung Quốc của các nước phương Tây không ngừng tăng. Từ cuối năm 2007, các nước phương Tây phải trải qua hàng loạt các cuộc khủng hoảng. Tạp chí này bình luận, đó là một loạt những thất bại thực sự của các nước phương Tây, do việc Trung Quốc thực hiện một chiến lược nhằm làm mất ổn định các nước này.

Bằng chứng là mỗi bước thụt lùi của phương Tây đều tương ứng với một thắng lợi của Trung Quốc. Năm 2008-2009, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 9%/năm. Năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ của phương Tây bắt đầu diễn ra và lan rộng do tính không nhân nhượng của chủ nợ chính là Trung Quốc. Năm 2011, Trung Quốc có thể vui mừng trước đà giảm giá mạnh của đồng USD và đồng euro và chuẩn bị ngày càng công khai thay thế những đồng tiền này bằng đồng NDT. Đồng thời, dựa vào 5.000 tỷ USD dự trữ, Trung Quốc tự khẳng định mình như người thay thế tất yếu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Lịch sử thế giới đã chứng minh, bất kỳ nước nào tìm kiếm của cải và sức mạnh, đều mong muốn là người xuất siêu và nếu nước này “lớn lên đến một mức độ nào đó” nhờ thực hiện chiến lược này, tất yếu nó sẽ chuyển sang những dự định bá quyền. Nước Anh, quốc gia đã mất 150 năm mới có thể tự khẳng định mình trước Pháp và đã thống trị thế giới trong suốt thế kỷ 19. Đó là Mỹ, nước đã thi hành chính sách bảo hộ trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 qua đó xây dựng thặng dư thương mại ngày càng đáng kể; Nhật Bản, đến lượt mình cũng ra sức đạt được như vậy từ năm 1950 đến 1989.

Chiến lược của Trung Quốc được thực hiện theo các biện pháp: mở cửa về thương mại; phát triển sản xuất trong khuôn khổ các hợp đồng làm thuê cho các hãng nước ngoài và công ty liên doanh thầu lại cho phép chuyển giao các công nghệ. Tất cả là nhờ sự kết hợp khoản tiền lương thấp một cách không ngờ và một tỷ giá hối đoái được định giá thấp.

Đây là một vũ khí rất lợi hại và là kết quả của một sự điều khiển thường xuyên dựa vào một sự kiểm soát tỷ giá hối đoái rất chặt chẽ và sự can thiệp của ngân hàng trung ương đối với thị trường chứng khoán. Thực tế này đã giúp ích rất nhiều để đạt được những số dư thương mại rất đáng kể cho Trung Quốc. Trong khi đó, tình trạng ở phương Tây lại là thâm hụt thương mại, phi công nghiệp hóa và mất ổn định xã hội.

Bí mật về ‘chiến tranh kinh tế’ của Trung Quốc
Lịch sử thế giới đã chứng minh, bất kỳ nước nào tìm kiếm của cải và sức mạnh, đều mong muốn là người xuất siêu và sau đó là chuyển sang những dự định bá quyền.

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, những hậu quả từ chiến lược của Trung Quốc thực sự là thảm họa cho phương Tây. Một số nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, Anh và Pháp, phải chịu đựng một biến động lớn phi công nghiệp hóa và thâm hụt thương mại gia tăng.

Lúc đầu, các chính phủ phương Tây không nhận thấy rõ lắm mối nguy hiểm mà sự thâm hụt thương mại gia tăng gây ra đối với nền kinh tế của họ. Và lúc bấy giờ, họ chỉ nghĩ cách làm sao để bù đắp được sự thâm hụt trong cán cân thương mại để tăng trưởng kinh tế. Họ đã ra sức kích thích chi tiêu trong nước, cả chi tiêu tư nhân và chi tiêu công.

Trong trường hợp Mỹ, nhờ những sự “đổi mới về tài chính” đúng lúc, người ta đã lợi dụng khoản nợ của các gia đình để kích thích sự phát triển lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, từ năm 2003 đến 2007, số tiền tiết kiệm của các gia đình hầu như trống rỗng trong khi khoản nợ của họ, cũng như của Nhà nước, lại tăng lên trong khi sự thâm hụt thương mại đạt tới mức kỷ lục, chiếm 6% GDP.

Nhưng việc duy trì đà tăng trưởng đòi hỏi phải tiếp tục một cách vô hạn chính sách nợ, kể cả đối với các tầng lớp nhân dân không có khả năng chi trả, vì thế, chỉ là sớm hay muộn, cuộc khủng hoảng là không thể tránh khỏi. Nước Mỹ đã phải can thiệp mạnh mẽ và đồng loạt bằng cách mua các khoản nợ tư. Số nợ lên rất cao, nhất là đối với Trung Quốc, chủ nợ trái phiếu, và theo nhiều dự đoán, số nợ của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng.  Và vì đã "đâm lao", Mỹ tiếp tục phải theo lao.

Cũng vào thời kỳ đó, nợ công của một số nước châu Âu tăng chóng mặt. Cuộc khủng hoảng, mà một số người cho rằng nó chỉ là một “cuộc khủng hoảng của Mỹ”, đã lan rộng khắp thế giới, nhưng chủ yếu, đây được coi là một cuộc khủng hoảng nợ của các nước phát triển, và là kết quả của sự mất cân bằng thương mại thế giới. Sự mất cân bằng này có một nguyên nhân chính mà đến bây giờ mọi người đều đã nhận ra, đó là chính sách phá giá tiền tệ của Trung Quốc..

Tất nhiên, lúc đầu các nước phương Tây không cưỡng nổi sự cám dỗ của khoản nợ và không thấy cái bẫy của Trung Quốc. Trong thời gian đầu, họ vẫn không thấy bất cứ một dấu hiệu xấu nào, nhất là khi sự tăng trưởng vẫn tiến triển đều đều và các doanh nghiệp của phương Tây vẫn kinh doanh tốt.

Nhưng sau đó, trong thời gian tiếp theo, người ta đã cảm nhận được thực tế khắc nghiệt. Khoản nợ chỉ có giới hạn; nạn thất nghiệp tăng, vốn đầu tư công nghiệp hơn bao giờ hết dồn ra nước ngoài. Lĩnh vực bất động sản và tài chính trong tình trạng khủng hoảng, sự tăng trưởng bấp bênh, các nước ngày càng khó mà tự tài trợ được cho chính mình, trong khi đó, chủ nợ nước ngoài chính, Trung Quốc, ngày càng tỏ ra ngạo mạn và luôn đòi hỏi. Hiện nay tình hình vẫn như vậy. Song, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn chìm trong sai lầm là không chịu công nhận bản chất thực sự của tình hình tồi tệ đang ảnh hưởng tới họ.

Bí mật về ‘chiến tranh kinh tế’ của Trung Quốc
Dù vẫn giữ ngôi vị số 1 thế giới nhưng kinh tế Mỹ đang lâm nguy vì chủ nợ Trung Quốc.

“Cuộc chiến tranh không giới hạn” là tiêu đề của một cuốn sách do hai viên đại tá quân đội của Trung Quốc viết, được xuất bản ở Pháp vào năm 1999. Các tác giả của cuốn sách này đã giải thích rằng cuộc chiến tranh diễn ra trong tất cả các lĩnh vực: văn hóa, chính trị, kinh tế, tài chính, đôi khi cả bằng quân sự.

Điều lý tưởng là giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh ấy mà không phải chiến đấu, nhưng kẻ thù phải chấp nhận thất bại. Chiến lược này cho phép Trung Quốc không những là “công xưởng của thế giới”, mà còn mua cả thế giới: các xí nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đất đai, các mỏ tài nguyên thiên nhiên, không gian du lịch, trái phiếu nợ công v.v. Trở thành cường quốc hàng đầu trên hành tinh về tài chính, dựa vào lượng tiền dự trữ lên tới 5.000 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng số tiền dự trữ của toàn thế giới, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vô song của mình để áp đặt các mục tiêu của mình cho các nước khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại