"Bí ẩn và khó đoán", ông Kim Jong Un khiến phương Tây bối rối

Đức Huy |

Theo nhận xét của một số nhà phân tích chính trị, ông Kim Jong Un là con người bí ẩn và khó đoán hơn các lãnh tụ trước đây của Triều Tiên.

Trong hơn một tháng ông Kim Jong Un "ở ẩn" để điều trị chấn thương mắt cá chân, đã có không ít những giả thuyết được đưa ra, kể cả giả thuyết về một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, kể từ khi trở lại chính trường hôm 14/10, nhà lãnh đạo 31 tuổi này đã nhanh chóng đập tan mọi tin đồn đồng thời tái khẳng định vị thế của mình ở nửa bắc bán đảo Triều Tiên.

Những vụ tử hình

Trên báo chí, bên cạnh những bức ảnh cho thấy nụ cười niềm nở của Kim Jong Un trong những chuyến đi thăm trại trẻ mồ côi hay thị sát căn cứ quân sự, là hàng loạt tin tức về các cuộc thanh trừng. Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), từ khi ông Kim trở lại, hàng chục quan chức Triều Tiên đã phải lãnh án tử hình, vì những tội danh như "xem phim Hàn Quốc" hay "chế lời quốc ca".

Kim Jong Un niểm nở trong chuyến thăm một trại trẻ mồ côi Ảnh: AFP

Kim Jong Un niềm nở trong chuyến thăm một trại trẻ mồ côi Ảnh: AFP

Đáng chú ý trong số này có Kim Kyong Ok, phó chủ nhiệm thứ nhất của Vụ tổ chức định hướng đảng Lao Động Triều Tiên. Từng được coi là một trong những trợ thủ đắc lực của Kim Jong Un, ông này được trang phân tích NK Leadership Watch nhận định là đã bị thanh trừng do tầm ảnh hưởng được mở rộng ra quá mức kiểm soát. Ngoài ra, các quan chức phải chịu chung số phận khác lại được cho là có liên quan đến Jang Song Thaek, người chú dượng quyền lực đã bị Kim Jong Un xử tử cuối năm ngoái.

Theo thống kê của Yonhap, chỉ trong năm 2014, đã có ít nhất 50 quan chức trong bộ máy nhà nước Triều Tiên bị loại bỏ, qua đó quyền lực của "nhà lãnh đạo tối cao" được củng cố.

"Bí hiểm và khó đoán hơn cha và ông nội"

Đó là lời nhận xét của Park Ji Young, giám đốc Khoa học Công nghệ tại viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc) về nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tương tự với nhận xét của bà Park, các bạn học cũ của Kim Jong Un tại Thụy Sĩ trả lời phỏng vấn của Washington Post cũng cho rằng ông là một người "khó đoán, thích quyền lực, và không ngại bạo lực".

Một minh chứng gần đây cho sự "khó đoán" của Kim Jong Un là việc hôm 22/10 vừa qua, ông bất ngờ trả tự do cho công dân Mỹ Jeffrey Fowle, người trước đó đã bị Triều Tiên buộc tội có ý đồ truyền giáo bất hợp pháp, một tội danh cực kì nghiêm trọng ở nước này. Tuy nhiên Kim Jong Un lại quyết định thả ông Fowle vô điều kiện.

Kim Jong Un bí hiểm và khó đoán hơn Kim Jong Il Ảnh: Telegraph
Kim Jong Un "bí hiểm và khó đoán hơn" Kim Jong Il Ảnh: Telegraph

Nên nhớ trước đây cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã phải đích thân đến Triều Tiên để thuyết phục chính quyền Kim Jong Il khi đó trả tự do cho hai nhà báo Mỹ bị bắt. Sẵn sàng xử tử người thân, không ngại chủ động xích lại gần Mỹ. Có thể thấy, với Kim Jong Un, không có gì là không thể.

Hạt nhân, nước đi kế tiếp?

Sau khi Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ giữa Triều Tiên và Mỹ bị phá vỡ vào năm 2004, Bình Nhưỡng đã tiến hành ba cuộc thử nghiệm hạt nhân. Thế giới, đặc biệt là các quốc gia lân cận như Hàn Quốc hay Nhật Bản, từ đó đến nay vẫn "đứng ngồi không yên" vì mối đe dọa hạt nhân thường trực đến từ người láng giềng Triều Tiên. Sự khó đoán của ông Kim Jong Un ở vị trí lãnh đạo càng làm mối lo này tăng lên.

Vậy liệu khả năng Triều Tiên sử dụng đến vũ khí hạt nhân?

Theo chuyên gia Phillip Yun, Giám đốc điều hành quỹ vì một thế giới an ninh không hạt nhân Ploughshare Funds, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, nhất là với những khoản đầu tư khổng lồ mà chính quyền Bình Nhưỡng đã bỏ ra để phát triển nó đến ngày nay. Thay vào đó, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục sử dụng mối đe dọa từ hạt nhân như một con bài chính trị trên trường quốc tế.

Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa hạt nhân Ảnh: Korea Arms
Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa hạt nhân Ảnh: Korea Arms

Trong khi đó, một nhà phân tích khác, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ACA (Mỹ) David Kimball, cho rằng khả năng Triều Tiên phát động chiến tranh hạt nhân là "gần như không thể".

"Vào thời điểm này, đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên chỉ có thể đủ tầm với tới các mục tiêu trong khu vực, mà trong đó Hàn Quốc là mục tiêu thực tế nhất. Nhưng Triều Tiên tấn công Hàn Quốc bây giờ chẳng khác nào tự sát. Tiềm lực quân sự của họ sẽ không thể chống đỡ nổi một cuộc phản công đến từ liên minh Mỹ-Hàn", ông Kimball nhận xét trên trang NK News.

Bà Park Ji Young cũng đồng tình với nhận xét khả năng bùng nổ chiến tranh hạt nhân vào thời điểm này là gần như không thể. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại rằng việc một nhà lãnh đạo với tính cách bí hiểm, khó đoán như ông Kim Jong Un có vũ khí hạt nhân trong tay sẽ luôn đặt thế giới trong tình trạng báo động.

"Lúc này, bất cứ một biến cố nhỏ nào đến từ Triều Tiên cũng có khả năng châm ngòi cho một thảm họa hạt nhân," bà Park phát biểu trên trang NK News.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại