Trong tuyên bố trên, Ủy ban Hòa bình Quốc gia Triều Tiên cho rằng quan hệ quân sự ngày càng được tăng cường giữa Mỹ và Hàn Quốc "đã đi quá giới hạn chịu đựng,'' không chỉ tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo mà còn đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Á và trên toàn thế giới.
Tuyên bố đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh đó, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ nhằm mục đích tự vệ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.
Trước đó, ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo đã thống nhất thực hiện cam kết của Seoul về biện pháp nhằm chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến của liên quân Mỹ-Hàn, trên cơ sở một số điều kiện, nhằm đảm bảo hoạt động quốc phòng phối hợp vẫn vững mạnh và không gián đoạn.
Quyết định này có nghĩa là một tướng Mỹ sẽ tiếp tục chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Phối hợp ở Seoul, và Washington sẽ giữ vai trò chỉ huy thời chiến cho tới khi liên minh nhất trí các điều kiện có lợi cho việc chuyển giao OPCON.
Seoul đã trao cho Washington quyền chỉ huy các lực lượng Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Năm 1994, Hàn Quốc lấy lại quyền chỉ huy thời bình và dự kiến sẽ nhận lại quyền chỉ huy thời chiến vào tháng 12/2015, sau hai lần hoãn vào năm 2007 và 2012.
Tuy nhiên, Seoul tiếp tục đề nghị lùi lại thời điểm chuyển giao OPCON sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2/2013.