Báo Nga: Phương Tây hãy thôi trò "bới lông tìm vết" ở Sochi!

Chí Quân |

(Soha.vn) - "Sẽ không có gì lạ nếu thái độ tiêu cực đối với lãnh đạo Nga được tự động chuyển thành sự đánh giá đối với Olympic Sochi."

Bên cạnh các thông tin thi đấu của Olympic Mùa đông 2014, báo chí phương Tây thời gian qua cũng đưa nhiều thông tin, hình ảnh phê bình công tác chuẩn bị của nước chủ nhà cũng như lo ngại về tình hình an ninh ở Sochi.

Báo Nga Pravda đã đăng một bài báo phản pháo các thông tin này. Dưới đây là nội dung bài viết:

Chưa bao giờ những cuộc tranh luận về một kỳ Olympic lại đi quá xa khỏi các chủ đề thể thao đến thế. Nhưng điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì phần lớn các phóng viên phương Tây tham gia đưa tin ở Sochi dường như hoàn toàn bị ám ảnh bởi các vấn đề kinh tế. Họ đếm lũ chó hoang, săm soi các thảm cỏ, dò xét khách sạn và các cơ sở hạ tầng khác.

Các thông tin tiêu cực về vấn đề an ninh tại Sochi cũng xuất hiện dày đặc. “Giới chuyên gia an ninh toàn cầu gọi đây là Olympic nguy hiểm nhất trong lịch sử, căn cứ vào địa điểm diễn ra các hoạt động thi đấu, mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa và khả năng các nhóm khủng bố có thể thực hiện kế hoạch tấn công của chúng”, báo Mỹ The New York Times viết.

Báo phương Tây mô tả là chó hoang xuất hiện dày đặc ở Sochi

Báo phương Tây mô tả là chó hoang xuất hiện "dày đặc" ở Sochi

“Ủy ban Olympic Quốc tế đã có một quyết định cực kỳ mạo hiểm khi chọn Sochi làm địa điểm tổ chức Thế vận hội”, Andrew Kuchins, Giám đốc bộ phận Nga và Á-Âu thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, Mỹ. Chuyên gia này còn cho rằng, nhiều người, kể cả thân nhân và bạn bè vận động viên sợ đến mức không dám đến xem Thế vận hội. CNN tiến hành một cuộc thăm dò online, và 57% cho rằng tấn công khủng bố ở Sochi là điều “rất có khả năng xảy ra”.

Trong cơn kích động này, không hiểu sao người ta quên rằng đe dọa khủng bố ở Olympic không phải là điều gì mới mẻ. Nó là thứ lơ lửng trên đầu tất cả các kỳ Thế vận hội. Hãy nhớ lại việc các vận động viên Israel đã bị bắt làm con tin và sát hại như thế nào tại Olympic Munich 1972.

Tại Thế vận hội Mùa hè Atlanta 1996, một vụ tấn công khủng bố xảy ra tại công viên Olympic khiến 2 người thiệt mạng, 111 người bị thương. Thiết bị nổ được cài trong một đoạn ống kim loại chứa đầy đinh. Thủ phạm bị bắt 2 năm sau đó.

Giới chức Mỹ khăng khăng rằng họ có những lý do cụ thể để lo ngại về vấn đề an ninh ở Olympic Sochi. “Chúng tôi đang lần theo một số mối đe dọa ở các mức độ tin cậy khác nhau”, Matthew Olsen, giám đốc Trung tâm Quốc gia Chống khủng bố Mỹ trình bày trong cuộc họp của Ủy ban Tình báo Nhà Trắng. “Và chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với đồng nghiệp người Nga cũng như các đối tác khác để giám sát và ngăn chặn mọi mối đe dọa hiện hữu”.

Vụ khủng bố ở Volgograd khiến phương Tây lo ngại về an ninh ở Sochi

Vụ khủng bố ở Volgograd khiến phương Tây lo ngại về an ninh ở Sochi

Vấn đề đặt ra là liệu có lý do nào để đáng phải lo ngại đến vậy? Trước đây, ở London, nơi từng xảy ra một vụ khủng bố hệ thống tàu điện ngầm, các biện pháp an ninh chưa từng có cũng đã được áp dụng cho Olympic Mùa hè 2012. Thậm chí người dân còn được khuyến cáo nên tạm rời thành phố trong dịp Thế vận hội. Nhưng cuối cùng, tất cả chỉ là sự thổi phồng của truyền thông.

“Tôi gần như chắc chắn rằng một vụ tấn công vào các địa điểm tổ chức Thế vận hội ở Sochi trong thời gian này trên thực tế là không thể xảy ra, vì một loạt các biện pháp an ninh chưa từng có đã được áp dụng. Nhưng nước Nga rất rộng lớn, nên về lý thuyết, nguy cơ khủng bố vẫn có thể tồn tại ở một địa phương hoặc vùng lãnh thổ khác, vì các âm mưu đánh bom tự sát ở nơi công cộng rất khó phát hiện”, Alexey Filatov, sĩ quan đã nghỉ hưu của FSB (Cơ quan An ninh Quốc gia Nga), người đã từng tham gia lực lượng chống khủng bố Alpha ở Chechnya nhận định.

Theo chuyên gia này, Thế vận hội là một miếng mồi ngon với khủng bố, và mục tiêu của những kẻ này không phải là giết được càng nhiều người càng tốt mà là khuấy động giới truyền thông. Do vậy, những kẻ chống lại và muốn làm mất uy tín nước Nga sẽ tận dụng mọi cơ hội.

Cũng trong cuộc thăm dò ý kiến nêu trên của CNN, 54% trong số hơn 1.000 người Mỹ tham gia cho biết họ đánh giá tiêu cực về các việc làm của Tổng thống Vladimir Putin. “Điều này khiến Tổng thống Nga trở thành một trong những chính khách ít được lòng người Mỹ nhất”, CNN nhận xét. Hãng tin này còn so sánh với kết quả một cuộc thăm dò 3 năm trước, khi hơn một nửa số người tham gia có thiện cảm với Nga và liên hệ sự sụt giảm này với chính sách “chống người đồng giới” của Nga.

Không đồng tình với thái độ của truyền thông Mỹ, Andrei Kortunov, CEO Hội đồng Đối ngoại Nga cho rằng “Ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tồn tại những định kiến thâm căn cố đế về hệ thống chính trị, xã hội và các giá trị Nga. Truyền thông Mỹ và phim ảnh Hollywood đã cố tình khoét sâu thêm các định kiến này, góp phần làm giảm xếp hạng của Nga".

Để tiện so sánh, theo một cuộc trưng cầu do Quỹ công luận Nga tổ chức tháng 8/2013, chỉ 13% người Nga có thái độ tiêu cực với Barack Obama. Theo khảo sát do Quỹ nghiên cứu Romir và Leger, tỷ lệ này là 18% vào tháng 12/2013.

Với nhiều người Mỹ, hình ảnh của Nga vẫn gắn chặt với quá khứ Xô Viết. Cũng theo Quỹ nghiên cứu Romir và Leger, khi nói đến từ “nước Nga”, 11% người Mỹ đến Chiến tranh lạnh, 5% nghĩ đến Liên Xô, 2% nghĩ đến KGB, 2% nghĩ đến chủ nghĩa xã hội, 2% nghĩ đến vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, khi nói đến nước Mỹ, 12% người Nga nghĩ đến đôla, 12% nghĩ đến các biểu tượng của tự do, 8% nghĩ đến Obama. Một số khác nghĩ đến Hollywood, kẹo cao su, đồ ăn nhanh McDonald, pizza, iPhone, jeans.

Sẽ không có gì lạ nếu thái độ tiêu cực đối với lãnh đạo Nga được tự động chuyển thành sự đánh giá đối với Olympic Sochi. Ví dụ, Robin Scott-Elliot, phóng viên báo Anh The Independent khi miêu tả tình trạng trước Olympic ở Sochi đã chỉ toàn viết về nắm đấm cửa bị rơi, không có bóng đèn trong phòng, không có nước máy, và khi có nước thì trong đó chứa những “vật thể lạ” có vẻ rất nguy hiểm.

Hạ tầng dở dang, nhem nhuốc...

Hạ tầng dở dang, nhem nhuốc...

...Modem lủng lẳng trên cửa sổ trong khu ở của phóng viên...

...Modem lủng lẳng trên cửa sổ trong khu ở của phóng viên...

... và nước có vẻ nguy hiểm là những hình ảnh xuất hiện trên nhiều báo phương Tây những ngày này

... và nước "có vẻ nguy hiểm" là những hình ảnh xuất hiện trên nhiều báo phương Tây những ngày này

Bài báo của tác giả này viết “Một người Canada được khuyên không nên rửa mặt vì nước “chứa cái gì đó rất nguy hiểm”. Một số phòng khác thì hoàn toàn không có nước. Và có phòng thì không có bóng đèn. Nắm đấm cửa và cửa tủ lạnh thì đụng nhẹ là rụng ra… Các địa điểm thi đấu thì rất đẹp, nhưng khung cảnh xung quanh thì vẫn bề bộn và đầy chó hoang chạy rông… Xung quanh các nơi thi đấu và khách sạn, những hàng cây được trồng vội phải dùng dây cột lại để không rũ xuống…

Chúng tôi muốn nhắc ngài Scott-Elliot nhớ rằng Olympic Mùa hè 2012 ở London cũng từng phải nhận rất nhiều lời chê trách và tranh cãi.

Nhưng vài ngày trước khi sự kiện này diễn ra, ý kiến đã thay đổi theo chiều ngược lại. Nước Nga có lẽ không thể hy vọng vào một điều như vậy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại