Tờ Pravda (Nga) đã cáo buộc rằng Mỹ gây chiến trên khắp thế giới chỉ vì lợi ích kinh tế và rằng lãnh đạo Mỹ tất cả các thời kì đều là tội phạm chiến tranh. Nội dung bài báo như sau:
"Nước Mỹ, điển hình về trật tự xã hội và công cộng cho các quốc gia phương Tây, có một lịch sử độc đáo. Trong suốt lịch sử 237 năm tồn tại của mình, Mỹ luôn trong tình trạng chiến tranh, hoặc chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới, hoặc tìm kiếm "nạn nhân". Từ năm 1798 - 2012, Washington đã sử dụng vũ lực ở nước ngoài khoảng 240 lần, tức là trung bình, chưa đến 1 năm, Mỹ lại gây chiến ở đâu đó 1 lần.
Kết quả của sự phát triển hung hăng về quân sự này rất ấn tượng. Theo nhiều ước tính, 5% dân số thế giới, những người có may mắn là công dân Mỹ, đã tiêu thụ từ 25 - 30% tài nguyên của hành tinh này.
Trước khi hoàn thành việc thành lập chính phủ và các tổ chức công cộng, Mỹ đã bắt đầu tiến hành các cuộc chiến tranh và xung đột, hết lần này đến lần khác, kiểm soát các thuộc địa ở Bắc Mỹ của Pháp, chiến tranh Tripoli đầu tiên hay Barbary tại Địa Trung Hải với Algeria, Tunisia, Tripolitania (Libya hiện nay).
Cuộc chiến này có thể được gọi là cuộc chiến đầu tiên của chính sách "cây gậy lớn" mà theo đó Washington, bất chấp luật pháp quốc tế, tiến hành để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Cuộc chiến Barbary không mang lại kết cục tốt đẹp cho Mỹ. Họ buộc phải chuộc 300 lính Mỹ mà không đạt được mục đích: sử dụng tuyến đường thương mại ở Địa Trung Hải.
Lính Mỹ tham chiến tại Afghanistan
Suốt thế kỉ 19, Mỹ đã chiến tranh với Anh, Mexico, Nhật Bản, Nicaragua, Hawaii, Philippines - đó là chưa kể tới hàng chục các hoạt động quân sự tại khu vực. Kết quả là, Mỹ đã thu phục được các vùng đất mà nay là các bang California, New Mexico, Arizona, Nevada, Utah. Chế độ bảo hộ từng được thiết lập ở Hawaii, chính phủ quân sự Mỹ cũng xuất hiện ở Cuba và một chế độ thực dân được thiết lập tại Philippines.
Trong thế kỉ 20, các hoạt động hung hăng của Mỹ ngày càng lan rộng. Hầu như toàn bộ Trung Mỹ và phần lớn châu Mỹ Latinh bị đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ. Mỹ và Nga cũng xảy ra chiến sự, và Mỹ đã điều quân tới Archagelsk và Vladivostok. Giờ đây, không chỉ ở Trung Mỹ và Địa Trung Hải, mà khắp thế giới đều có bộ máy quân sự Mỹ.
Lính Mỹ đã từng chiến đấu ở Trung Quốc (1925 và 1958), Triều Tiên (1950), Lebanon (1958). Thất bại lớn nhất trong lịch sử Mỹ là ở Việt Nam, nơi 60.000 người Mỹ đã chết và hơn 30.000 người bị thương. Sau chiến tranh, khoảng 100.000 cựu chiến binh tự tử. Song song với đó, Mỹ đã tiến hành các hoạt động vũ trang ở châu Mỹ Latinh - Panama, Brazil (lật đổ Tổng thống Joao Goulart năm 1964), Cuba, Bolivia, cộng hoà Dominica và Chile - và châu Phi cũng không nằm ngoài danh sách này. Năm 1960, Mỹ đã tổ chức một cuộc đảo chính mà sau đó, Thủ tướng Patrice Lumumba bị giết, nhà độc tài Mobutu lên nắm quyền.
Những thành tựu mới đây của chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn còn hiển hiện - từ vụ đánh bom Nam Tư tới vụ xâm lược Iraq, chiến tranh ở Afghanistan và sự thất bại của Libya. Syria đã tránh được việc trở thành đối tượng tiếp theo của hoạt động xuất khẩu nền dân chủ kiểu Mỹ, song tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Không thể liệt kê được tất cả số liệu về cuộc chiến và các cuộc xâm lược vũ trang mà Mỹ tiến hành. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các nhà lãnh đạo Mỹ ở tất cả các thời kì đều bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh lớn trong lịch sử hiện đại và đương đại.
Nếu áp dụng các tiêu chuẩn của Toà án Nurnberg (nơi xét xử tội phạm chiến tranh Đức quốc xã) cho chính sách đối ngoại Mỹ, thì họ (những nhà lãnh đạo Mỹ) đều có tội. Đương nhiên, Mỹ gây chiến tranh với gần như với cả thế giới không phải bởi vì đặc trưng tâm lý của các đời Tổng thống và chính trị gia của mình.
Mỹ có được những lợi ích kinh tế lớn và rõ ràng nhưng lại phân bố nó một cách không đồng đều, những tầng lớp thấp cổ bé họng bị buộc phải phục vụ trong quân đội Mỹ gần như không nhận được bất cứ thứ gì. Công thức cho sự thịnh vượng về kinh tế và dân chủ kiểu mẫu ở Mỹ rất đơn giản: tấn công và cướp bóc."