Báo Nga: Kaliningrad có thể trở thành Crimea thứ hai?

My Lan |

(Soha.vn) - Crimea và Kaliningrad có nhiều tương đồng, cả 2 đều là những vùng lãnh thổ được sáp nhập, đều có các cảng biển không bao giờ đóng băng và tài sản quân sự chiến lược.

Vì sao Đức không thể (và không quan tâm) đòi Kaliningrad?

Trong bài diễn văn hôm 18/3 trước Quốc hội Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, quyết định của cố Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev về việc trao Crimea cho Ukraine năm 1954 đã "vi phạm trắng trợn các điều khoản của hiến pháp trong thời điểm đó". Ông Putin cũng mô tả sự tái sáp nhập của Crimea về Nga là hành động sửa chữa "sai lầm của lịch sử", đồng thời cho rằng nước cộng hoà tự trị này đóng một vai trò thiết yếu trong lịch sử và văn hoá của Nga trong nhiều thế kỷ.

Trong khi đó, theo tờ Moscow Times (Nga), Nga gần như chắc chắn là đang có cách nhìn nhận khác biệt về những nỗ lực của một cường quốc nước ngoài nhằm sáp nhập một phần lãnh thổ hiện tại của Moscow nhưng lại có quan hệ về lịch sử rõ ràng với một quốc gia khác - ví dụ như Kaliningrad. Trước khi trở thành vùng lãnh thổ tách rời của Nga ở châu Âu vào năm 1945- sau Thế chiến II, Kaliningrad, hay còn được biết tới cái tên Konigsberg, từng thuộc Đức.

Đức không tuyên bố chủ quyền tại Kaliningrad, trong khi đó, một vài người cho rằng vùng đất này thuộc Nga là điều không đúng, cũng như nhiều người Nga coi Crimea là một phần của Ukraine. Chủ nhiệm khoa Lịch sử và Triết học tại Đại học Latvia, ông Inesis Feldmainis tin rằng việc sáp nhập Kaliningrad vào Liên Xô cũng là "một sai lầm của lịch sử".

Kaliningrad có chung đường biên gới với Ba Lan và Lithuania

Kaliningrad có chung đường biên gới với Ba Lan và Lithuania

Moscow Times đã chỉ ra 3 lý do khiến Đức không bao giờ quan tâm tới việc sáp nhập Kaliningrad vào lãnh thổ nước mình.

Mặc dù đóng vai trò như một khu vực quân sự khép kín dưới thời Xô Viết, song Kaliningrad khi đó vẫn còn mang đậm yếu tố lịch sử Đức. Song tới nay, người Đức chỉ chiếm 0,8% so với trên tổng số 940.000 cư dân tại vùng lãnh thổ tách rời này của Nga. Con số này khác xa với một số lượng đáng kể người gốc Nga cũng như một phần lớn người dân nói tiếng Nga tại Crimea. Điều này có thể là một trong những lý do vì sao Đức không bao giờ nhắc tới "sai lầm của lịch sử" để tuyên bố chủ quyền tại Kaliningrad, giống như cách mà Nga lý giải cho việc triển khai quân tới kiểm soát bán đảo Crimea.

Đồng thời, sau những kí ức kinh hoàng mà Đức gây ra trong Thế chiến 2, sự nhạy cảm của cả thế giới trước các động thái hung hăng từ phía nước này cũng là một lý do khiến cho Berlin không quan tâm tới vùng lãnh thổ đã mất.

"Tôi không cho rằng một ngày nào đó Đức sẽ có ý định này (tuyên bố chủ quyền tại Kaliningrad), hoặc việc này sẽ trở thành một chủ đề để thảo luận", ông David Ziblatt, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu châu Âu Minda de Gunzburg thuộc Đại học Harvard nhận định. "Các bằng chứng của lịch sử (từ thời Thế chiến II) đã cho thấy động thái này sẽ gây bất ổn".

Mặc dù giữa Crimea và Kaliningrad có sự tương đồng nhất định - cả 2 đều là những vùng lãnh thổ được sáp nhập, nơi có các cảng biển không bao giờ đóng băng cũng như có tài sản quân sự chiến lược, song sự khác biệt về lịch sử của chúng cũng là một trong những lý do.

Moscow Times dẫn lời giảng viên, nhà sử học Edgar Engizers từ Học viện Quốc tế Baltic ở Riga cho biết: "Phương Tây đồng ý để Kaliningrad trở thành một phần lãnh thổ của Xô Viết tại Hội nghị Postdam, khi các quốc gia đồng minh chia nhau châu Âu... Tình hình sau Thế chiến II rất khác biệt so với những gì mà chúng ta đang nhìn thấy tại Crimea.

Theo ông này, "đối với phương Tây, trong tương lai, việc chấp nhận sự sáp nhập của Crimea vào Nga sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều".

Nga dùng Kaliningrad để 'đe' phương Tây

Moscow Times nhận định, có vẻ như việc phương Tây đồng ý để Nga sáp nhập Kaliningrad đã khiến "sai lầm của lịch sử" này trở nên không thể thay đổi được, ít nhất là cho tới lúc này.

Kaliningrad tiếp giáp với 2 quốc gia thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania. Việc Crimea sáp nhập vào Nga đã làm dấy lên những lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng Kaliningrad như một trung gian cho các động thái can thiệp quân sự của Nga vào châu Âu.

Đầu tháng 3, hơn 3.500 lính Nga đã tham gia một cuộc tập trận tại các khu vực sát biên giới với Ba Lan và Lithuania ở Kaliningrad. Cả 2 quốc gia đã xem động thái này là một mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh của mình.

Ba Lan và Lithuania đã yêu cầu NATO phải có phản ứng với các động thái của Nga bằng cách viện dẫn Điều 4 trong hiệp ước của khối này, trong đó kêu gọi tổ chức hiệp thương nếu 1 thành viên trong liên minh cho rằng "toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của mình" bị đe doạ.

Ngày 19/3, trong chuyến thăm chính thức thủ đô Vilnius (Lithuania), phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường hợp tác về quân sự và hải quân với các quốc gia Baltic.

Tên lửa đạn đạo chiến lược Iskander của Nga

Tên lửa đạn đạo chiến lược Iskander của Nga

Trên thực tế, Moscow Times cho rằng, trong nhiều năm qua, Moscow đã sử dụng Kaliningrad để khiêu khích và cảnh cáo phương Tây.

Năm 2013, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã khiển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân Iskander tới Kaliningrad, đặt Ba Lan và các quốc gia Baltic và tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, Putin sau đó đã bác bỏ tuyên bố này.

Trước đó, năm 2008, Nga cũng đe doạ triển khai tên lửa tầm ngắn tới Kaliningrad nếu Mỹ thực hiện kế hoạch xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Séc.

Trong khi đang có nhiều đồn đoán về việc Nga có thể khẳng định chủ quyền tại những vùng nói tiếng Nga ở các nước Baltic, các học giả Nga khẳng định rằng Kaliningrad không phải là mối đe doạ thực sự với các quốc gia láng giềng.

Trả lời phỏng vấn tờ Moscow Times, nhà khoa học chính trị Vladimir Abramov, người chuyên nghiên cứu vùng lãnh thổ tách rời tại châu Âu này của Nga nói rằng: "Phương Tây coi Kaliningrad là một khẩu súng hạt nhân tại trung tâm châu Âu. Song trên thực tế, không có vũ khí hạt nhân nào ở đó. Lithuania lo sợ Nga, và gián tiếp là Kaliningrad, sẽ huy động dân cư của mình. Mọi việc vẫn vậy kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ".

Nhìn chung, các chuyên gia phân tích Baltic thận trọng hơn đối với Kaliningrad, mặc dù họ không tin rằng Nga sẽ mạnh tay tại đây

Ông Engizers từ Học viện Quốc tế Baltic ở Riga cho rằng: "Chúng tôi nhận thấy Nga không muốn vướng vào một cuộc chiến tranh toàn diện với Ukraine, kể cả ở EU hay NATO. Và điều này thậm chí còn đúng hơn xét trong mối quan hệ giữa Nga với Ba Lan và Lithuania, 2 thành viên của EU và NATO, láng giềng của Kaliningrad".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại