Báo Mỹ: Tại sao Lebanon bị lãng quên dù cũng tang thương vì khủng bố?

Minh Thu |

"Khi người dân nước tôi thiệt mạng, không quốc gia nào thắp đèn tưởng nhớ. Khi người dân đất nước tôi thiệt mạng, thế giới không có hoạt động tưởng niệm nào. Với thế giới, có những cái chết không đáng gì nhưng nó lại khác ở một số nơi".

Ngày 15/11, tờ The New York Times (Mỹ) đã có một bài viết về những tranh cãi về sự không công bằng với tính mạng con người ở các nước khác nhau xuất hiện sau những vụ đánh bom khủng bố ở thành phố Beirut (Lebanon) và Paris (Pháp) dù hai sự kiện này chỉ cách nhau có một ngày và thủ phạm đều là IS.

Hôm 12/11, hai vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại thủ đô Beirut của Lebanon, cướp đi sinh mạng của 43 người.

Và chỉ sau một ngày tức đêm 13/11, 129 người đã thiệt mạng sau các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris của Pháp.

Hiện trường các vụ tấn công đẫm máu ở miền nam thủ đô Beirut và thủ đô Paris hoàn toàn giống nhau đồng thời gây sốc cho người dân, khiến các quán cà phê và khu chợ trở nên yên ắng hơn bình thường vào ngày cuối tuần.

Đáng nói, lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm là thủ phạm gây ra các vụ tấn công đẫm máu trên.

Và người dân Lebanon đã thực sự bị sốc khi biết thông tin Pháp bị khủng bố bởi lâu nay quốc gia châu Âu này vẫn được coi là an toàn hơn đất nước của họ.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, các cuộc tấn công ở Paris hôm 13/11 là sự kiện nhận được sự quan tâm và chia sẻ nhiều nhất từ cộng đồng quốc tế.

Cụ thể, nhiều địa danh nổi tiếng trên thế giới đã thắp các ngọn đèn 3 màu xanh, trắng và đỏ tượng trưng cho lá cờ Pháp.

Facebook cho bật tính năng để người dùng thay đổi ảnh đại diện tạm thời.

Theo đó, các ảnh đại diện sẽ được vẽ thêm 3 sọc xanh, trắng và đỏ theo hàng dọc nhằm mô phỏng lá cờ Pháp, để chia sẻ với các nạn nhân trong vụ tấn công ở Paris.

Tuy nhiên, những hoạt động này lại không hề được phát động trong vụ tấn công khủng bố kép ở Beirut hôm 12/11.

Thậm chí, ngay sau sự kiện ở Pháp, người dùng có bạn bè ở Paris nhận được một dạng thông báo mới mang tên Safety Check cho những người trong vùng ảnh hưởng, giúp người ở đó thông báo với bạn bè rằng mình đã an toàn.

Dù tính năng này tỏ ra hữu ích với nhiều người, song câu hỏi đặt ra vì sao nó chỉ xuất hiện ở Paris mà không phải ở các sự kiện khác như vụ đánh bom tại Beirut.

Hành động này đã làm dấy lên tranh cãi về sự đánh giá không công bằng với tính mạng con người ở các nước khác nhau.

"Khi người dân đất nước tôi thiệt mạng, không quốc gia nào thắp đèn tưởng nhớ. Khi người dân đất nước tôi thiệt mạng, hoạt động tưởng niệm không được tổ chức trên toàn thế giới.

Với thế giới, có những cái chết không đáng gì nhưng nó lại khác ở một số nơi", tờ The New York Times dẫn lời bác sĩ Lebanon Elie Fares viết trên blog.

Ý kiến của ông Fares cũng là điều mà giới bình luận Lebanon phàn nàn lâu nay. Theo họ, mạng sống của những người dân Ả Rập dường như bị đánh giá ít quan trọng hơn.

Trên thực tế, Beirut từng là khu vực biểu tượng cho tình trạng bạo lực và nội chiến mới chỉ kết thúc vào năm 1990. Song sự kiện hôm 12/11 là vụ đánh bom liều chết đẫm máu nhất xảy ra ở Beirut kể từ sau nội chiến.

Sự khác biệt phản ứng giữa các vụ tấn công khủng bố ở Paris và Beirut càng nêu bật quan điểm cho rằng Lebanon đang bị bỏ rơi trong khi phải hứng chịu những hậu quả từ cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở Syria.

Cuộc chiến ở Syria đã khiến hơn 4 triệu người chạy trốn khỏi đất nước này và di tản sang các quốc gia láng giềng như Lebanon.

Cả những người ủng hộ và phản đối chính phủ Syria cho hay lâu nay, họ đã cảnh báo với các nước trên thế giới rằng khả năng cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ còn lan rộng sang phương Tây.

Đóng cửa với người tị nạn?

Trong khi người dân Paris coi vụ tấn công đêm 13/11 là tiếng sét ngang tai và là cuộc khủng bố tồi tệ nhất xảy ra ở thành phố này trong hàng thập niên qua.

Người dân Beirut nhìn nhận vụ đánh bom hôm 12/11 đại diện cho nỗi sợ hãi về tình trạng bạo lực sẽ quay trở lại đất nước này.

Trong hơn một năm qua, Lebanon đang dần khôi phục sau các vụ đánh bom do nhóm phiến quân Sunni tiến hành nhằm trả thù phong trào Hezbollah với các thành viên là người Shiite ở Lebanon, hiện đang tham gia cuộc nội chiến ở Syria để hỗ trợ cho quân chính phủ nước này.

Trong khi đó, nhiều hãng truyền thông vẫn cho rằng Beirut là "vùng chiến sự" bởi các vụ đánh bom không ngừng xảy ra ở khu vực đông người Shiite sinh sống.


Người dân Paris bàng hoàng trước các vụ tấn công liên hoàn hôm 13/11.

Người dân Paris bàng hoàng trước các vụ tấn công liên hoàn hôm 13/11.

Hiện một triệu người dân Syria đang có mặt ở Lebanon và không ít người tìm đường chạy sang châu Âu.

Vụ tấn công hôm 13/11 ở Paris đã tạo ra một áp lực chính trị lớn đè nặng lên các nước châu Âu trong việc có nên tiếp tục chấp nhận người di cư hay không.

Một số bằng chứng cho thấy ít nhất một thủ phạm gây ra các vụ tấn công ở Paris là người tị nạn tới châu Âu do đó, những người phản đối chính sách nhập cư nhanh chóng hối thúc chính phủ các nước đóng cửa với người di cư.

Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Syria bởi với họ, quyết định di cư sang châu Âu là để trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực xung đột.

"Đây cũng là một dạng khủng bố buộc hàng triệu người dân Syria phải đi di cư", phát ngôn viên Hội đồng Canada – Syria, ông Faisal Alazem nói.

Theo tờ New York Times, tồn tại sự chênh lệch lớn khi so sánh phản ứng giữa các vụ khủng bố ở Syria và Pháp.

Có thể nói, vụ tấn công đêm 13/11 tại Paris cướp đi sinh mạng của 129 người là sự kiện hiếm so với tình trạng xung đột liên miên và diễn ra hàng ngày ở Syria.

"Hãy tưởng tượng những gì xảy ra ở Paris vào đêm 13/11 lại diễn ra hàng ngày trong suốt 5 năm qua", bà Nour Kabbach, người chạy trốn khỏi các vụ ném bom ở thành phố Aleppo tại Syria từ vài năm trước và hiện đang làm việc trong tổ chức nhân đạo ở Beirut nói.

"Hãy tưởng tượng những gì đang xảy ra đều không nhận được sự xót thương của cộng đồng quốc tế, không được các hãng truyền thông cập nhật hàng phút và không được các nhà lãnh đạo thế giới gửi lời chia buồn.

Cuối cùng bạn sẽ giải thích như thế nào với con em mình rằng vụ tấn công xảy ra ở một thành phố xinh đẹp lại nhận được sự quan tâm của toàn thế giới còn những nơi khác lại không", bà Kabbach chia sẻ trên Facebook.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại