LTS: Tuần qua, thế giới lại một lần nữa phải chìm trong đau thương mất mát, khi hàng trăm người dân thường vô tội tại Pháp và Lebanon trở thành nạn nhân cho những hành động khủng bố phi nhân tính của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Có không ít người tự hỏi: IS làm vậy vì mục đích gì? Khủng bố từ đâu mà ra? Tại sao thế giới không tiêu diệt hết khủng bố để chúng hoành hành như vậy?
Chúng tôi không dám chắc sẽ trả lời được một cách hoàn chỉnh những thắc mắc này, nhưng bằng loạt bài tới đây với phân tích của những chuyên gia quốc tế về Trung Đông cũng như nhận định của một tín đồ Hồi giáo ngay tại Việt Nam, hi vọng chúng tôi sẽ giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện hơn về IS nói riêng và đa chiều hơn đối với Hồi giáo nói chung.
Để mở đầu, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả bài viết của nhà báo Graeme Wood đăng trên tạp chí The Atlantic với nhan đề: "IS thật sự muốn gì?". Đây là một bài phóng sự chi tiết được tác giả đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm làm phóng viên chiến trường tại Trung Đông cũng như qua các cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia khác trong cùng lĩnh vực.
Tháng 12/2014, khi vấn nạn mang tên IS đã hoành hành khắp Trung Đông được gần nửa năm, tạp chí New York Times đã đăng tải một bài viết mà trong đó, một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ đã phải thừa nhận nước này vẫn "chưa tìm hiểu rõ về IS".
Đó là Thiếu tướng Michael Nagata, tư lệnh Đặc nhiệm Mỹ tại Trung Đông. Trong một cuộc hội đàm với các chuyên gia, ông Nagata đã phải nói rằng: "Chúng tôi [Mỹ] chưa thể dập tắt IS. Chúng tôi còn chưa hiểu nổi ý tưởng đằng sau nó là gì".
Không chỉ cấp dưới là tư lệnh tại Trung Đông mà đến cấp cao nhất là Tổng tư lệnh toàn lực lượng quân đội Mỹ, tức Tổng thống Barack Obama, dường như cũng không thật sự nắm rõ về IS. Ông đã gọi IS là "đàn em của al-Qaeda", cũng như lên án những hành động "phi Hồi giáo" của tổ chức này
Những câu nói có phần tổng quát một cách thái quá của Tổng thống Mỹ đã góp phần khiến IS trở nên khó hiểu hơn trong mắt người ngoài cuộc, hay thậm chí, theo đánh giá của ông Wood, chúng đã và đang khiến Mỹ và phương Tây phạm phải những sai lầm chiến lược nghiêm trọng.
Vậy thực sự IS là ai, và mục đích thực sự của tổ chức này là gì?
2 hiểu nhầm cơ bản về IS
Theo nhà báo Wood, khách quan mà nói, việc đa phần thế giới vẫn không nắm bắt được IS cũng tương đối dễ hiểu.
Rất hiếm người đặt chân tới lãnh địa của IS mà tìm được đường trở về. Trừ những hình ảnh hay video mà tổ chức này đăng tải trên mạng xã hội, lượng thông tin có sẵn về IS để một người bình thường có thể tham khảo là không đáng kể, đó là chưa nói đến độ xác thực.
Với lượng thông tin ít ỏi ấy, tất cả những gì chúng ta có thể chắc chắn về IS được gói gọn trong hai chữ "khủng bố". Đây là một tổ chức sử dụng bạo lực một cách man rợ để đạt được những lý tưởng tôn giáo cực đoan mà chúng theo đuổi.
Bạo lực là cách IS sử dụng để thể hiện sự mộ đạo của mình. Ảnh: BBC
Theo ông Wood, bản chất của Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã bị hiểu sai ở ít nhất hai điểm. Thứ nhất, chúng ta thường hiểu thánh chiến (jihad) như một chủ nghĩa rập khuôn, và áp dụng cách hiểu của chúng ta về al-Qaeda, cũng là một tổ chức khủng bố tôn sùng jihad, cho IS. Như vậy là thiển cận.
Nhà báo Wood viết rằng ông đã có dịp nói chuyện với nhiều người ủng hộ IS, và những người này vẫn gọi trùm khủng bố Osama bin Laden là "Sheikh Osama", một danh hiệu thể hiện sự tôn trọng dành cho người ở địa vị cao. Nhưng còn bản chất jihad ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời al-Qaeda, và rất nhiều phần tử jihad hiện nay rất không hài lòng với đường lối cũ của al-Qaeda.
Bin Laden coi khủng bố như một tiền đề để đến với danh vị caliphate (quốc vương của một nhà nước Hồi giáo, và là người kế tục nhà tiên tri Muhammad - PV), điều mà chính hắn cũng không trông mong sẽ có được trong quãng đời mình. Tổ chức al-Qaeda do hắn cầm đầu vận hành tương đối linh hoạt, với một hệ thống các nhóm vũ trang tự quản lý hoạt động trên toàn cầu.
Trong khi đó, IS hiện nay lại chú trọng vào việc kiểm soát lãnh thổ, đồng thời áp dụng một hệ thống điều hành như một nhà nước thực thụ (phân rõ lực lượng dân quân và quân đội "chính phủ", và chia lãnh thổ ra các tỉnh thành để quản lý, v.v.).
Hiểu nhầm thứ hai, theo ông Wood, là việc chúng ta từ chối công nhận bản chất tôn giáo mang phong cách trung cổ của IS, và lại một lần nữa suy nghĩ này xuất phát từ cách hiểu về một al-Qaeda đã "lỗi thời".
Bin Laden được coi là một sản phẩm của thế giới hiện đại, "đoàn thể hóa" và vươn vòi khủng bố trên khắp thế giới. Những đòi hỏi của hắn thường mang tính chính trị, đơn cử là khi al-Qaeda đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi Saudi Arabia. Binh sĩ al-Qaeda vẫn trà trộn trong cuộc sống hàng ngày và sống một cuộc sống hai mặt. Trước khi thực hiện vụ đâm máy bay tự sát ngày 11/9, Mohamed Atta vẫn ăn pizza trên đất Mỹ như thường.
Nhưng IS thì khác.
Ông Wood cho rằng, có một cách nhìn mà khá nhiều người hiện nay, từ dân đọc tin tức thông thường cho đến các chính trị gia, hay gắn cho các phần tử IS: đó là những kẻ theo chủ nghĩa vô thần, với những toan tính chính trị hiện đại, sử dụng lớp vỏ tôn giáo để đạt mục đích của mình, giống như những gì họ đã hiểu về al-Qaeda.
Nghe qua thì có vẻ "xuôi", nhưng theo nhà báo này, cách hiểu này đã bỏ qua hoàn toàn sự trung thành tuyệt đối nhưng có suy tính kĩ lưỡng của các phần tử khủng bố IS trong sứ mệnh đưa nền văn minh nhân loại trở về mô hình của thế kỉ thứ 7, khi tôn giáo và vũ lực nằm trên luật pháp, với mục đích cuối cùng là mang đến ngày tận thế.
Chính các thành phần lãnh đạo IS cũng như các phần tử ủng hộ tổ chức này đã nhiều lần thể hiện quan điểm này qua phát biểu của mình.
Chúng khẳng định sẽ không đời nào chấp nhận việc rời bỏ quy tắc cai trị gốc rễ của Hồi giáo, được nhà tiên tri Muhammad và những tín đồ đầu tiên gây dựng, để phục tùng chính phủ nhà nước. Chúng thường sử dụng những cách diễn đạt khá khó hiểu đối với những người không theo đạo, nhưng thực chất mỗi câu nói đểu ẩn chứa những tục lệ hay lời răn dạy của đạo.
Năm ngoái, phát ngôn viên chính của IS, Abu Muhammad al-Adnani, đã kêu gọi các tín đồ Hồi giáo sinh sống ở các nước phương Tây như Pháp hay Canada hãy tìm một kẻ phản giáo rồi "lấy đá đập vào đầu hắn, đầu độc hắn, lấy xe tông vào hắn, hoặc phá hủy mùa màng của gia đình hắn".
Đối với người thường, những hình phạt cổ hủ như ném đá hay phá hủy mùa màng đối lập một cách khó hiểu với lời kêu gọi tông xe của thời hiện đại. Nhưng Adnani không hề nói bừa.
Những câu nói của hắn mang đậm sắc thái Hồi giáo, trong đó việc kêu gọi phá hoại mùa màng xuất phát từ thánh lệnh của Muhammad rằng các chiến binh Hồi giáo không được phép động vào nước sạch và ruộng vườn, trừ phi bị đặt vào thế bị động. Lúc đó, người Hồi giáo tại những nơi đầy rẫy những kẻ vô thần hay phản giáo được phép "không khoan nhượng và tự do phá hoại".
Sự thật là Nhà nước Hồi giáo tự xưng mang rất nhiều sắc thái Hồi giáo chứ không chỉ dùng Hồi giáo làm vỏ bọc như al-Qaeda. Đúng là tổ chức này đã thu hút không ít những kẻ tâm thần bất ổn đầu quân, nhưng tầng lớp lãnh đạo và những kẻ theo IS trung thành nhất đều là những kẻ sùng đạo với hiểu biết rộng về Hồi giáo.
Theo ông Wood, gần như tất cả những quyết định quan trọng nhất cũng như những luật pháp do IS định ra đều xoay quanh những lời răn dạy trong kinh Qur'an, những điều mà tổ chức này gói gọn trong cụm từ "Đường lối của Nhà tiên tri". Những biện pháp tuyên truyền, kêu gọi, những thông điệp trên mạng xã hội, cũng theo rất sát "đường lối" này đến từng chi tiết.
Gần như tất cả những tín đồ Hồi giáo chân chính đều từ chối công nhận IS. Nhưng việc các nhà hoạch định chính sách của phương Tây từ chối công nhận IS như một tổ chức nặng tính tôn giáo, với những triết lý mà phương Tây buộc phải hiểu mới có thể chống lại được, đã dẫn đến những quyết sách sai lầm và những chiến lược đối phó thiển cận.
Kính mong quý độc giả đón đọc phần 2: Tín ngưỡng và Khái niệm Ngày Tận thế của IS