Báo Anh: Nga cần cả châu Á, chứ không chỉ mình Trung Quốc

Theo Financial Times (Anh), Tổng thống Nga, dưới áp lực từ phương Tây, đang hướng tới châu Á, chứ không chỉ riêng Trung Quốc vì muốn chứng minh Nga không thể bị châu Âu cô lập.

Hôm 20/5, phát biểu trước các phương tiện truyền thông Trung Quốc, ông Putin cho biết: "Lập trường của chúng tôi về các vấn đề quốc tế lớn là giống nhau và thậm chí là y hệt nhau”.

Trong khi đó, một quan chức chính phủ cao cấp của Nga thì nói rằng: "Chúng tôi đánh giá rất cao việc Trung Quốc đã tôn trọng và thấu hiểu những lợi ích quốc gia của chúng tôi trong cuộc khủng hoảng (Ukraine) này”.

Mặc dù Trung Quốc đã rất thận trọng để không hoàn toàn đứng về phía Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng nước này cũng tránh đưa ra những lời chỉ trích. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây cho biết mối quan hệ Nga – Trung đang bước vào “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử” và được đặc trưng bởi "sự tin cậy lẫn nhau ở mức độ cao".

Hôm 19/5, ông Wang Yiwei , Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định: "Cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang buộc Nga chuyển về phương đông”.

Trong những tháng gần đây, chính phủ Nga cũng có nhiều nỗ lực để phát triển các mối quan hệ kinh tế với các nước khác ở châu Á. Nga muốn thúc đẩy nguồn cung cấp công nghệ từ phía Nhật Bản và Singapore, khối lượng bán vũ khí cho Ấn Độ. Nga cũng hy vọng Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ sẽ đầu tư sản xuất vào Siberia.

Ông Mikhail Titarenko, Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Viện khoa học Nga cho biết: "Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn, nhưng không phải là duy nhất" trong chính sách ngoại giao của Nga với châu Á.

Theo các chuyên gia, trong nhiều năm tới, Nga và Tập đoàn dầu khí khổng lồ của nước này là Gazprom sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào châu Âu vì mãi tới năm 2019 Nga mới có thể bắt đầu cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.

Khi đó, lượng khí đốt của Nga bán sang Trung Quốc tuy đáng kể nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Theo thỏa thuận, ban đầu Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương với 23% lượng tiêu thụ hiện tại của Trung Quốc, nhưng chỉ chiếm 16% lượng xuất khẩu hiện tại của Gazprom.

Thương mại song phương giữa hai nước năm 2013 có giá trị tương đối nhỏ, khoảng 90 tỷ USD. Giao dịch của Trung Quốc với châu Âu gấp 5 lần và với Mỹ gấp 3 lần so với giao dịch với Nga .

Cheng Xiaohe, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân cho biết: "Quan hệ Trung Quốc - Nga đang rất tốt và sẽ tiếp tục được cải thiện. Nhưng chúng ta phải xem họ sẽ làm thế nào để chuyển lòng tin chính trị thành những hành động cụ thể và những lợi ích kinh tế".

Xem thêm Video: Lễ đón chính thức Tổng thống Putin trong chuyến thăm Trung Quốc

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại