Để giải quyết êm thấm sự rối ren này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có kế hoạch gửi "quan khâm sai" đến Hồng Kông ổn định tình hình.
Theo Want China Times (Đài Loan), Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nhiều khả năng được Chủ tịch Tập Cận Bình giao cho nhiệm vụ sẵn sàng giải quyết sự vụ tại Hồng Kông thay cho lãnh đạo Hồng Kông hiện giờ là Lương Chấn Anh (CY Leung). Phong trào Chiếm Trung Hoàn của Hồng Kông vẫn còn đang mạnh, dù bị cảnh sát dùng hơi cay để giải tán suốt mấy ngày qua. Điều này khiến Bắc Kinh lo lắng dù họ đã có sự đề phòng từ trước.
Gần hai tuần trước khi biểu tình tại Hồng Kông chính thức bắt đầu, ông Uông 59 tuổi đã thực hiện một chuyến kinh lý tại tỉnh Quảng Đông, giáp với Hồng Kông với mục đích được thông báo là "kiểm tra một số việc liên quan đến ngoại thương".
Ông Uông là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông từ năm 2007 đến năm 2012, đã tuần du các thành phố khác nhau trên địa bàn tỉnh trong 2 ngày (11 và 12/9), bao gồm Thâm Quyến, Đông Quan và Chu Hải.
Trang tin tức chính trị Duowei cho rằng chuyến thăm Quảng Đông ở thời điểm quan trọng này không hề ngẫu nhiên mà cho rằng mục đích sâu xa là nhằm nắm bắt sát sao tình hình ở Hồng Kông. Sau đó, ông Uông đã về Bắc Kinh báo cáo tình hình.
Duowei nói Chủ tịch Tập Cận Bình đã suy tính cẩn thận trước khi "chọn mặt gửi vàng", giao cho ông Uông nhiệm vụ xử lý hậu quả của phong trào Chiếm Trung Hoàn mà Bắc Kinh đã biết từ nhiều tháng trước, đặc biệt là khi Bắc Kinh nhận thấy lãnh đạo Hồng Kông hiện giờ là Lương Chấn Anh (CY Leung) xử lý mọi việc thiếu mềm dẻo.
Ông Uông được coi là một chuyên gia giải quyết linh hoạt các vấn đề liên quan đến biểu tình và ông đã chứng tỏ được mình trong việc giải quyết cuộc biểu tình ở làng Ô Khảm (Wu Kan) thuộc Quảng Đông vào năm 2011. Vào thời điểm đó, chính quyền địa phương sử dụng chiến thuật mạnh tay để dập tắt tình trạng bất ổn và tình hình khi đó gần như vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, sau khi ông Uông xuất hiện giải vây, ông đã làm dịu căng thẳng bằng cách phóng thích một số dân làng bị bắt giữ và hứa hẹn không truy tội họ để đổi lấy thanh bình. Dân làng sau đó được phép tổ chức bầu cử để tự lựa chọn người lãnh đạo mới và tình hình yên ổn từ đó đến giờ.
Dù thông tin ông Uông về lãnh đạo Hồng Kông hay về lúc nào chưa chính thức được xác nhận nhưng Duowei cho rằng "kinh nghiệm" của ông Uông lúc này là tài sản vô giá để bình ổn Hồng Kông.