Vì sao Nga nhiệt tình làm "trung tâm hòa giải" giúp Triều Tiên?

Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vốn bị trì hoãn từ cuối năm 2008, có thể được nối lại, theo thông báo của Ngoại trưởng Nga.

Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong ngày 1/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng ông thấy có triển vọng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên song khẳng định sẽ cần có thời gian.

Ông Lavrov cho biết: "Cuộc gặp hôm nay đã khẳng định việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên là khả thi. Không phải ngay lập tức mà sẽ cần một khoảng thời gian nhất định.

Điều kiện chính để nối lại tiến trình này là tất cả các bên có cách tiếp cận bình tĩnh, cân bằng và đương nhiên không cho phép có bất cứ bước đi vội vàng nào chỉ khiến gây chia rẽ lập trường".

Thông tin trên cho thấy dấu hiệu khả quan về đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời qua đây Nga đã ngầm cho các nước thấy vai trò "trung tâm hòa giải" vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Còn nhớ, hôm 28/9 vừa qua, trả lời phỏng vấn báo chí tại sân bay thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên và đảm đương chức vụ Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân 6 bên, ông Glyn Davies nói rằng, Bình Nhưỡng dường như đang để ngoài tai ý kiến của tất cả các nước, kể cả Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.

Ông Davies nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng phải nhanh chóng trở lại bàn ngoại giao, đồng thời lên án quốc gia Đông Bắc Á này đang né tránh đáp ứng những kỳ vọng cũng như thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Tỏ thái độ bất hợp tác với Hàn, Mỹ, Trung nhưng lại tỏ ra có thiện chí với Nga, chưa bàn đến toan tính của Triều Tiên trong động thái này nhưng chắc chắn nó sẽ có lợi cho Nga rất nhiều, nhất là trong bối cảnh Nga đang lao đao với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ và phương Tây do liên quan đến khủng hoảng Ukraine.

Lâu nay, Trung Quốc vốn được biết đến là nhân tố quan trọng trong các nỗ lực giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giờ đây vai trò này dường như đã được chuyển giao sang Nga.

Vì sao Triều Tiên nắm tay Nga? Vì sao Triều Tiên nắm tay Nga?

Chuyến thăm Nga đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên sau 4 năm gián đoạn quan hệ ngoại giao kéo dài tới 10 ngày.

Theo giới nghiên cứu, Nga giờ cũng có thế sử dụng những khoản hỗ trợ như một điều kiện để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Ngay cả khi nỗ lực thuyết phục chưa thành công thì vai trò của Moscow cũng được đề cao bởi giới quan sát sẽ nhìn nhận sự hợp tác kinh tế này như một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình an ninh trong khu vực, qua đó có thể thúc đẩy tiến trình khôi phục các bàn đàm phán 6 bên.

Một yếu tố khiến Triều Tiên dễ hợp tác với Nga hơn là các nước khác trong vấn đề hạt nhân, đó là Moscow luôn đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, khác với một số các bên tham gia đàm phán, đôi khi thực hiện nghĩa vụ của mình có kèm theo vài đòi hỏi bổ sung.

Nếu Nga kéo được Triều Tiên ngồi lại vào bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân thì đây là một thành công lớn của nước này bởi đàm phán 6 bên đã bị trì hoãn từ năm 2008. Triều Tiên đã phá tháp làm lạnh của lò phản ứng hạt nhân và ngừng hoạt động của lò phản ứng vào năm 2008 theo một thỏa thuận đạt được tại đàm phán 6 bên, song sau đó, giao kèo đã đổ vỡ.

Từ đó đến nay, Triều Tiên thường xuyên tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, vốn được nước này xem là "sinh mệnh quốc gia". Tháng 4/2013, Triều Tiên tuyên bố tái khởi động lò phản ứng 5 MW, lấy lý do là Mỹ và Hàn Quốc có hành động thù địch.

Với vai trò "trung tâm hòa giải" vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Nga sẽ củng cố tiếng nói của mình trên trường quốc tế, vốn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và khiến Mỹ phải cân nhắc nhiều trước khi có bất kỳ hành động nào nhằm vào Moscow.

Từ bỏ 'giấc mơ Trung Quốc, Triều Tiên tìm đến với anh bạn Nga Từ bỏ "giấc mơ Trung Quốc", Triều Tiên tìm đến với "anh bạn Nga"

Hãng Interfax hôm 27/9 dẫn nguồn từ Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow cho biết chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong đến Nga sẽ được bắt đầu vào ngày 30/9.

Mặt khác, thân thiết với Triều Tiên là một thành công của Nga trên con đường tìm cách cân bằng ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Triều Tiên đang "đối đầu" với Mỹ, muốn "thoát Trung", lại sở hữu công nghệ hạt nhân. Bấy nhiêu yếu tố đó trở thành lý do hoàn hảo cho sự lựa chọn của Moscow tại khu vực nơi Mỹ và Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng.

Hiện chưa thể biết rõ thời điểm chính xác các cuộc đàm phán 6 bên sẽ được nối lại khi nào, tuy nhiên, từ giờ đến lúc đó, Nga còn nhiều cơ hội để chứng tỏ vai trò quan trọng của mình với các nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại