Ba Lan đừng “dại dột” thử lòng kiên nhẫn của bà Merkel

Đức Dũng |

Những lời chỉ trích mạnh mẽ của Ba Lan đối với Đức có thể đem đến những tổn thất về uy tín cho chính Warsaw. Berlin hiện vẫn đang cố gắng để không “chỉ thẳng mặt” giới lãnh đạo Ba Lan.

Theo nhận định do tờ Politico chuyên về tình hình chính trị thế giới của Mỹ đưa ra, trong những năm qua, Ba Lan đã là đồng minh gần gũi của Đức và giới lãnh đạo hai bên đã thiết lập được mối quan hệ.

Tuy nhiên, những tranh cãi gần đây giữa hai bên có thể gây nên những tổn thất nghiêm trọng cho mối quan hệ này.

Tranh cãi giữa Warsaw và Brussels bùng phát sau khi chính phủ cầm quyền của Ba Lan thông qua các đạo luật mới về những thay đổi đối với luật về các phương tiện truyền thông và thay đổi đối với Tòa án Hiến pháp.

Một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử EU khi các nước này cáo buộc Ba Lan đang vi phạm vào các giá trị dân chủ của khối.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz mô tả các hành động của chính quyền Ba Lan như là một “cuộc đảo chính”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Anthony Macherevich tuyên bố đáp trả rằng Ba Lan “sẽ không theo các bài học về tự do và dân chủ” của Đức.

Chính phủ Đức đang phải cố gắng để không “chỉ thẳng mặt” chính phủ Ba Lan vì lo ngại rằng những rắc rối này sẽ phá vỡ mối quan hệ hiện nay giữa hai bên.

Mới đây, quan hệ Ba Lan-Đức vẫn được phát triển tốt nhưng tất cả đã nhanh chóng thay đổi sau khi đảng Pháp luật và Công lý do ông Jaroslaw Kaczynski làm Chủ tịch giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội và lên nắm quyền tại Ba Lan.

Theo Politico, dù có những chỉ trích mạnh mẽ Đức nhưng Ba Lan sẽ không thể nhanh chóng cắt đứt các mối quan hệ với Đức, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Việc Ba Lan ngày càng xa rời Đức cho thấy Đức hiện nay dường như đang mất đi tất cả các đồng minh trong EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức A.Merkel hiện đang rất cần đến các đồng minh có tiềm lực để có thể giúp Đức tái cấu trúc lại EU, giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư và các vấn đề quan trọng khác.

“Người Đức hiện vẫn đang có một sự kiên nhẫn đáng kể. Tuy nhiên, Ba Lan không nên “dại dột” thử lòng kiên nhẫn của Đức vì điều đó sẽ rất không tốt cho Ba Lan”- tờ Financial Times bình luận.

Theo phân tích của Financial Times, nếu như Ba Lan tiếp tục thực hiện các hành động đang bị Đức và cả EU lên án thì cho dù Ba Lan vẫn đang có vai trò quan trọng trong chính sách của Đức, nước này cũng sẽ không ngần ngại lên tiếng kêu gọi EU ban hành các lệnh cấm vận chống Ba Lan.

Trước đó, các chính trị gia Đức đã lên tiếng kêu gọi EU tiến hành các lệnh cấm vận chống Ba Lan vì Ba Lan đã “vi phạm các giá trị nền tảng của châu Âu”.

Nguyên nhân là do Ba Lan đã ban hành các điều luật mới về các phương tiện truyền thông và cải tổ Tòa án Hiến pháp.

Đối với đạo luật mới về các phương tiện truyền thông, những thành viên hiện tại của Hội đồng điều hành và Hội đồng quan sát viên kênh truyền hình quốc gia TVP và Đài truyền thành quốc gia Ba Lan sẽ phải chuyển giao chức vụ của mình.

Bộ trưởng Tài chính Ba Lan được giao nhiệm vụ thành lập một ê kíp lãnh đạo mới và có quyền thay đổi điều lệ hoạt động của các phương tiện truyền thông nhà nước cho phù hợp với những sửa đổi mới.

Cuối tháng 12/2015, Tổng thống Ba Lan Duda cũng phê chuẩn các sửa đổi đối với luật về Tòa án Hiến pháp Ba Lan.

Theo đó, Tòa án Hiến pháp sẽ không thể chấm dứt hoạt động của các tòa án mà chỉ có quyền đưa ra các đề xuất tương ứng cho Hạ viện phê chuẩn trong những trường hợp “đặc biệt quan trọng”.

Việc ban hành lệnh phạt với các tòa án chỉ được thông qua theo đề nghị của Tổng thống và Bộ trưởng Tư pháp.

Ngoài ra, số lượng tòa án sẽ được mở rộng từ 9 thành 15 và việc phê chuẩn quyết định này sẽ chỉ cần đến 2/3 số phiếu ủng hộ chứ không cần đến đa số phiếu như trước.

Cả hai đạo luật trên của ông Duda đều vấp phải sự phản ứng kịch liệt ngay chính trong nội bộ Ba Lan cũng như sự chỉ trích của EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại