Tổng thống Syria Assad.
Phe đối lập Syria từng chứng kiến nhiều lần thay đổi vị trí lãnh đạo nam kể từ khi cuộc nổi dậy chống chính quyền ông Bashar al-Assad bắt đầu nổ ra cách đây hơn 2,5 năm. Liên minh nổi dậy chính ở nước ngoài với tên gọi Liên minh Quốc gia Syria ban đầu nằm dưới sự điều hành của ông Moaz al-Khatib, sau đó đến ông Ghassan Hitto và giờ là ông Ahmad al-Jarba.
Tuy nhiên, hai người phụ nữ trên vẫn giữ vị trí lãnh đạo của mình kể từ ngày đầu của cuộc nổi dậy. Bà Atassi là một nhà lãnh đạo đối lập nổi bật đang sống ở nước ngoài trong khi bà Zaitouneh là một luật sư nhân quyền đầy ảnh hưởng đang ẩn náu ngay tại quên nhà. Cả hai đều đang nắm trong tay những thứ có thể khiến họ trở thành Nhà lãnh đạo của đất nước Syria nếu họ sống đủ lâu để chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền.
Kenedy của Syria
Bà Suhair Atassi (đứng thứ 4 từ trái qua).
Nữ chính khách năng động Suhair Atassi, 42 tuổi, là một Phó Chủ tịch trong chính phủ của phe đối lập và có thể là người phụ nữ quyền lực nhất Syria bất chấp thực tế bà đang sống lưu vong ở nước ngoài. Là một người chuyên nghiên cứu về văn học Pháp đến từ Homs, bà Atassi không xa lạ gì với tình hình chính trị rối loạn ở đất nước Syria. Bà sinh ra trong một gia đình được gọi là phiên bản của triều đại Kennedy ở Mỹ. Dòng họ al-Atassi gồm rất nhiều thẩm phán, nghị sĩ, bộ trưởng, nhà văn, nhà thơ và thậm chí là hai cựu tổng thống, trong đó có ông Nureddin al-Atassi – người từng giữ vị trí Tổng thống Syria khi ông Hafez Assad (cha của Bashar) giành quyền kiểm soát đất nước cách đây 40 năm.
Gia đình Atassi đã tạo bàn đạp để nữ chính khách tiến đến vị trí ngày hôm nay nhưng sự nổi lên của bà là kết quả của sự kiên trì và lòng dũng cảm. Khi bà Atassi chỉ mới chưa đầy 30 tuổi, tức là ngay sau khi Tổng thống Assad vừa lên cầm quyền năm 2000, bà đã thiết lập Diễn đàn Đối thoại Dân chủ. Diễn đàn này công khai kêu gọi cải cách chính trị ở Syria. Đây là lời kêu gọi hết sức táo bạo ở một đất nước mà người lính có thể bị tống tù nếu quên không đóng một chiếc cúc áo trên bộ quân phục.
Sau khi bị bắt giữ năm 2005, khi chính phủ Syria cấm diễn đàn hoạt động, bà Atassi lại đặt nền móng và tổ chức lại một diễn đàn khác. Năm 2009, bà Atassi dùng Facebook để lập lại diễn đàn (khi đó Facebook đang bị cấm ở Syria). Bà đã trở lại các đường phố trong những buổi đầu của cuộc nổi dậy năm 2011 trước khi phải chạy trốn khỏi Syria năm 2012.
Mặc dù vậy, người phụ nữ này vẫn không ngừng tăng tốc, liên tục cập nhật các chuyến đi của mình đến Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và nhiều nơi khác để đưa ra những bài phát biểu nhằm tập hợp sự ủng hộ cho phe đối lập Syria. Và bà đã phải trả giá – bị đánh, bị trục xuất và bị nắm tóc lôi vào những chiếc xe tải của cảnh sát trong các cuộc dẹp loạn người biểu tình ở Ai Cập và các quốc gia Ả-rập khác.
Nữ anh hùng về nhân quyền
Một người phụ nữ khác đang hoạt động nổi bật trong phe đối lập Syria là bà Razan Zaitouneh. Trong khi bà Atassi điều hành một diễn đàn thì người phụ nữ có tên Zaitouneh, 35 tuổi, đang nổi danh với tư cách là một luật sư nhân quyền, bảo vệ cho các tù nhân chính trị ở Syria.
Trong khi bà Atassi bị buộc phải chạy khỏi đất nước Syria thì bà Zaitouneh chọn cách ẩn náu ở ngay trong nước sau khi bà bị chính phủ cáo buộc là một điệp viên nước ngoài. Nhà bà này bị lục soát và chồng bà bị bắt. Kể từ đó, bà Zaitouneh – người dành Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế năm nay, đã hoạt động trong bí mật. Bà lãnh đạo một nhóm phi bạo lực để duy trì động lực cho cuộc nổi dậy hiện nay ở đất nước Syria. Nếu bà Atassi đại diện cho bộ mặt bên ngoài của phe đối lập thì bà Zaitouneh đại diện cho bộ mặt bên trong.
Mặc dù cả bà Atassi và bà Zaitouneh đều là thủ lĩnh của phe đối lập nhưng họ có quan điểm khác nhau trên con đường thực hiện cuộc nổi dậy. Bà Atassi tham gia vào các hoạt động vận động quốc tế bề nổi đại diện cho Liên minh Quốc gia Syria – một nhóm bao gồm cả những nhóm nổi dậy có vũ trang và chiến binh Hồi giáo. Trong khi đó, bà Zaitouneh vẫn phản đối kịch liệt việc hợp tác với các thành phần chiến binh Hồi giáo. Vì thế, lực lượng chiến binh Hồi giáo thường tránh làm việc với bà Zaitouneh.
Tuy nhiên, cả hai nữ chính khách trên đều phải đối mặt với thách thức kép chung là sự phân biệt giới tính và những lo ngại về an ninh. Trong một đất nước mà cuộc nổi dậy đang chuyển từ các quảng trường đến những chiến trường, giới lãnh đạo nổi dậy đang bị thống trị bởi nam giới khi mà các lực lượng Hồi giáo và các nhóm vũ trang đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn và họ bỏ qua tiếng nói của phụ nữ. Nếu bà Atassi và Zaitouneh có thể sống qua thời kỳ bất ổn này trong lịch sử Syria thì thách thức tiếp theo của hai bà sẽ là việc tranh cử chức tổng thống thời hậu Assad – không chỉ với các ứng cử viên nam giới mà có thể là giữa hai người với nhau.